XIX. Phẩm Chiến Sĩ

(I) (181) Người Chiến Sĩ

1.- Thành tựu bốn chi phần này, này các Tỷ-kheo, một chiến sĩ xứng đáng để cho vua sử dụng, thuộc sở hữu của vua, là biểu tượng của vua. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, người chiến sĩ thiện xảo về xạ trình, là người bắn xa, bắn như chớp nhoáng, và đâm thủng được vật lớn.

Thành tựu bốn chi phần này, này các Tỷ-kheo, một chiến sĩ xứng đáng để cho vua sử dụng, thuộc sở hữu của vua, là biểu tượng của vua.

2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu bốn pháp này, Tỷ-kheo đáng được cung kính, xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được cúng dường, xứng đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thiện xảo về xạ trình, là người bắn xa, bắn như chớp nhoáng, và đâm thủng được vật lớn.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo thiện xảo về xạ trình?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo là người có giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Patimokkha, có uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ, chấp nhận và học tập các học pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo thiện xảo về xạ trình.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo bắn xa?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phàm sắc gì thuộc về quá khứ, vị lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả sắc, vị ấy thấy như thật với chánh trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.

Phàm có cảm thọ gì thuộc về quá khứ, vị lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả cảm thọ, vị ấy thấy như thật với chánh trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.

Phàm có tưởng gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả tưởng, vị ấy thấy như thật với chánh trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.

Phàm có các hành gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả các hành, vị ấy thấy như thật với chánh trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.

Phàm có thức gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả các thức, vị ấy thấy như thật với chánh trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo bắn như chớp nhoáng?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật quán tri: “Ðây là khổ”, như thật quán tri: “Ðây là khổ tập”; như thật quán tri: “Ðây là khổ diệt”, như thật quán tri “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo bắn như chớp nhoáng.

6. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo đâm thủng vật to lớn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đâm thủng vô minh uẩn to lớn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đâm thủng vật to lớn.

Ðầy đủ bốn chi phần này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo xứng đáng được cung kính, xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được cúng dường, xứng đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.

(II) (182) An Toàn

1.- Này các Tỷ-kheo, không một Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Nhân, Màra, Phạm thiên hay một ai ở đời có được sự an toàn đối với bốn pháp. Thế nào là bốn?

Bản tánh bị già, mong rằng không già, không một Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Nhân … đối với pháp này.

2. Bản tánh bị bệnh, mong rằng không bệnh, không một Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Nhân … đối với pháp này.

3. Bản tánh bị chết, mong rằng không bị chết, không một Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Nhân … đối với pháp này.

4. Khổ quả của những ác nghiệp ấy (những nghiệp) tạp nhiễm, đưa đến tái sanh, đem lại phiền muộn, đem lại khổ quả dị thục sanh, già, chết trong tương lai, kết quả của những nghiệp ấy mong rằng không có hiện hữu. Không một Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Nhân, Màra, Phạm thiên hay một ai ở đời có được sự an toàn đối với bốn pháp này.

Này các Tỷ-kheo, không một Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Nhân, Màra, Phạm thiên hay một ai ở đời có được sự an toàn đối với bốn pháp này.

(III) (183) Ðiều Ðược Nghe

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá) tại Veluvana (Trúc Lâm), chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Rồi Bà-la-môn Vassakàra, vị đại thần nước Magadha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón thăm hỏi. Sau khi nói lên với Thế Tôn những lời chào đón thăm hỏi thân hữu, Bà-la-môn Vassakàra, vị đại thần nước Magadha bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, tôi nói như sau, thấy như sau: “Khi người nào nói lên điều mình thấy: “Tôi thấy như vậy”. Do vậy, người ấy không có lỗi gì. Khi người nào nói lên điều mình nghe: “Tôi nghe như vậy”. Do vậy, người ấy không có lỗi gì. Khi người nào nói lên điều mình cảm giác: “Tôi cảm giác như vậy”. Do vậy, người ấy không có lỗi gì. Khi người nào nói lên điều mình thức tri: “Tôi thức tri như vậy”. Do vậy, người ấy không có lỗi gì”.

2. – Này Bà-la-môn, Ta không nói rằng: “Tất cả điều được thấy cần phải nói ra”. Này Bà-la-môn, Ta không nói rằng: “Tất cả điều được thấy không nên nói ra”. Này Bà-la-môn, Ta không nói rằng: “Tất cả điều được nghe nên nói ra”. Này Bà-la-môn, Ta không nói rằng: “Tất cả điều được nghe không nên nói ra”. Này Bà-la-môn, Ta không nói rằng: “Tất cả điều được cảm giác nên nói ra”. Ta không nói rằng: “Tất cả điều được cảm giác không nên nói ra”. Ta không nói rằng: “Tất cả điều được thức tri nên nói ra”. Ta không nói rằng: “Tất cả điều được thức tri không nên nói ra”.

3. Này Bà-la-môn, phàm nói lên điều thấy gì, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm, Ta nói rằng điều thấy như vậy không nên nói ra. Và này Bà-la-môn, phàm nói lên điều thấy gì, các pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng, Ta nói rằng điều thấy như vậy nên nói ra. Này Bà-la-môn, phàm nói ra điều nghe gì … phàm nói ra điều cảm giác gì … phàm nói ra điều thức tri gì … các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm, Ta nói rằng điều thức tri như vậy không nên nói ra. Và này Bà-la-môn, phàm nói ra điều thức tri gì, các pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng, Ta nói rằng điều thức tri như vậy nên nói ra.

Rồi Bà-la-môn Vassakàra, vị đại thần xứ Magadha, hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn nói, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi ra đi.

(IV) (184) Không Sợ Hãi

1. Rồi Bà-la-môn Jànussoni đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm … Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Jànussoni bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, tôi nói như sau, tôi thấy như sau: “Không có một ai bản tánh bị chết mà không sợ hãi, không rơi vào run sợ, khi nghĩ đến chết”.

– Này Bà-la-môn, có người bản tánh bị chết, sợ hãi, rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết. Nhưng này Bà-la-môn, có người bản tánh bị chết, không sợ hãi, không rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.

2. Và này Bà-la-môn, thế nào là người bản tánh bị chết, sợ hãi, rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết?

Ở đây, này Bà-la-môn, có người không ly tham đối với các dục, không ly ham muốn, không ly luyến ái, không ly khát ái, không ly nhiệt não, không ly tham ái. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy bị cảm thọ chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau: “Thật sự các dục khả ái sẽ bỏ ta”, hay “Ta sẽ từ bỏ các dục khả ái”. Người ấy sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là người bản tánh bị chết, sợ hãi, rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.

3. Lại nữa, này Bà-la-môn, ở đây có người không ly tham đối với thân … Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy bị cảm thọ bởi chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau: “Thật sự thân khả ái sẽ bỏ ta”, hay “Ta sẽ từ bỏ thân khả ái”. Người ấy sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là người bản tánh bị chết, sợ hãi, rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.

4. Lại nữa, này Bà-la-môn, ở đây có hạng người không làm điều lành, không làm điều thiện, không che chở kẻ sợ hãi, làm điều ác, làm điều hung bạo, làm điều phạm pháp. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy bị cảm thọ bởi chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau: “Thật sự ta không làm điều lành, không làm điều thiện, không che chở kẻ sợ hãi, làm điều ác, làm điều hung bạo, làm điều phạm pháp”. Tại sanh thú nào mà những người không làm điều lành, không làm điều thiện, không che chở kẻ sợ hãi, làm điều ác, làm điều hung bạo, làm điều phạm pháp, đi đến sau khi chết, ta đi đến sanh thú ấy. Người ấy sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là người bản tánh bị chết, sợ hãi, rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.

5. Lại nữa, này Bà-la-môn, ở đây có hạng người nghi ngờ do dự, không đi đến kết luận đối với diệu pháp. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy bị cảm thọ bởi chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau: “Thật sự ta có nghi ngờ do dự, không đi đến kết luận đối với diệu pháp”. Người ấy sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là bốn hạng người bản tánh bị chết, sợ hãi, rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.

6. Và này Bà-la-môn, thế nào là người bản tánh bị chết, không sợ hãi, không rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết?

Ở đây, này Bà-la-môn, có hạng người ly tham đối với các dục, ly ham muốn, ly luyến ái … Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy bị cảm thọ bởi chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau: “Thật sự các dục khả ái sẽ bỏ ta”, hay “Ta sẽ từ bỏ các dục khả ái”. Người ấy không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đập ngực, không rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là người bản tánh bị chết, không sợ hãi, không rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.

7. Lại nữa, này Bà-la-môn, ở đây có người không ly tham đối với thân, ly ham muốn, ly luyến ái … Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy bị cảm thọ bởi chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau: “Thật sự thân khả ái sẽ bỏ ta”, hay “Ta sẽ từ bỏ thân khả ái”. Người ấy không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đập ngực, không rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là hạng người bản tánh bị chết, không sợ hãi, không rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.

8. Lại nữa, này Bà-la-môn, ở đây có hạng người không làm ác, không làm điều hung bạo, không làm điều phạm pháp, làm điều lành, làm điều thiện, có che chở kẻ sợ hãi. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy bị cảm thọ bởi chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau: “Thật sự ta không làm ác, không làm điều hung bạo, không làm điều phạm pháp, làm điều lành, làm điều thiện, có che chở kẻ sợ hãi. Tại sanh thú nào mà những người không làm điều ác, không làm điều hung bạo, không làm điều phạm pháp, làm điều lành, làm điều thiện, có che chở kẻ sợ hãi đi đến sau khi chết, ta đi đến sanh thú ấy”. Người ấy không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đập ngực, không rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là hạng người bản tánh bị chết, không sợ hãi, không rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.

9. Lại nữa, này Bà-la-môn, ở đây có hạng người không có nghi ngờ, không có do dự, đi đến kết luận đối với diệu pháp. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy bị cảm thọ bởi chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau: “Thật sự ta không có nghi ngờ, không có do dự, đi đến kết luận đối với diệu pháp”. Người ấy không có sầu muộn, không có than vãn, không có khóc lóc, không có đập ngực, không rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là hạng người bản tánh bị chết, không sợ hãi, không rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.

Này Bà-la-môn, có bốn hạng người bản tánh bị chết, không có sợ hãi, không rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết

– Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama … Mong Tôn giả Gotama chấp nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

(V) (185) Các Sự Thật Bà La Môn

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), núi Gijjhakùta (Linh Thứu). Lúc bấy giờ, nhiều vị du sĩ có danh tiếng, có danh tiếng sống ở khu vườn của các du sĩ trên bờ sông Sappini như Annabhàra, Varadhara, Sakuludàyi, và những vị du sĩ có danh tiếng, có danh tiếng khác.

Rồi Thế Tôn vào buổi chiều từ Thiền Tịnh đứng dậy, đi đến khu vườn của các du sĩ trên bờ sông Sappini. Lúc bấy giờ, giữa các du sĩ ngoại đạo ấy đang ngồi tập họp, câu chuyện này được khởi lên: “Ðây là những sự thật Bà-la-môn, đây là những sự thật Bà-la-môn”.

2. Rồi Thế Tôn đi đến các du sĩ ấy, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Ngồi xong, Thế Tôn nói với các du sĩ ấy:

– Nay câu chuyện gì được khởi lên, này các du sĩ, khi các Ông đang ngồi họp ở đây? Câu chuyện gì chưa được nói xong giữa các Ông?

– Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi đang ngồi họp, câu chuyện sau này khởi lên giữa chúng tôi: “Ðây là những sự thật Bà-la-môn, đây là những sự thật Bà-la-môn”.

3.- Bốn sự thật Bà La Môn này, này các du sĩ, sau khi tự mình chứng ngộ với thắng trí, đã được ta tuyên bố lên. Thế nào là bốn?

– Ở đây, này các du sĩ, Bà-la-môn nói như sau: “Tất cả loài hữu tình không được làm hại”. Người Bà-la-môn nói như vậy là nói sự thật, không nói láo. Do vậy, vị ấy không nghĩ đến “Sa-môn”, không nghĩ đến “Bà-la-môn”, không nghĩ đến: “Ta hơn (các người khác)”, không nghĩ đến: “Ta bằng (các người khác)”, không nghĩ đến: “Ta là hạ liệt”. Lại nữa do thắng tri sự thật hàm chứa ở đấy, người ấy thực hành lòng thương tưởng, lòng từ mẫn đối với các loài hữu tình.

4. Lại nữa, này các du sĩ, Bà-la-môn nói như sau: “Mọi dục là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại”. Người Bà-la-môn nói như vậy là nói sự thật, không nói láo. Do vậy, vị ấy không nghĩ đến “Sa-môn”, không nghĩ đến “Bà-la-môn”, không nghĩ đến: “Ta hơn (các người khác)”, không nghĩ đến: “Ta bằng (các người khác)”, không nghĩ đến: “Ta là hạ liệt”. Lại nữa do thắng tri sự thật hàm chứa ở đấy, (trong lời nói ấy), người ấy thực hành nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với các dục.

5. Lại nữa, này các du sĩ, Bà-la-môn nói như sau: “Tất cả hữu là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại”. Người Bà-la-môn nói như vậy là nói sự thật, không nói láo. Do vậy, vị ấy không nghĩ đến “Sa-môn”, không nghĩ đến “Bà-la-môn”, không nghĩ đến: “Ta hơn (các người khác)”, không nghĩ đến: “Ta bằng (các người khác)”, không nghĩ đến: “Ta là hạ liệt”. Lại nữa do thắng tri sự thật hàm chứa ở đấy, người ấy thực hiện nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với các hữu.

6. Lại nữa, này các du sĩ, người Bà-la-môn nói như sau: “Ta không là bất cứ ai, bất cứ thuộc ai, bất cứ là gì. Trong ấy, không có cái gì được gọi là của ta, bất cứ ở đâu, bất cứ là gì”. Người Bà-la-môn nói như vậy là nói sự thật, không nói láo. Do vậy, vị ấy không nghĩ đến “Sa-môn”, không nghĩ đến “Bà-la-môn”, không nghĩ đến: “Ta hơn (các người khác)”, không nghĩ đến: “Ta bằng (các người khác)”, không nghĩ đến: “Ta là hạ liệt”. Lại nữa do thắng tri sự thật hàm chứa ở đấy, (trong lời nói ấy) người ấy thực hành con đường không có sự vật gì.

Này các du sĩ, có bốn sự thật Bà-la-môn này, Ta đã tự mình chứng ngộ với thắng trí và tuyên bố lên.

(VI) (186) Con Ðường Sai Lạc

1. Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, thế giới do cái gì hướng dẫn, thế giới do cái gì được diễn tiến, đi đến sự thuần phục của cái gì được khởi lên?

– Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Hiền thiện là con đường Thầy đặt vấn đề, hiền thiện là sự biện tài, hiền thiện là câu hỏi! Này Tỷ-kheo, có phải Thầy hỏi như sau: “Bạch Thế Tôn, thế giới do cái gì hướng dẫn, thế giới do cái gì được diễn tiến, đi đến sự thuần phục của cái gì được khởi lên?”

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

– Này Tỷ-kheo, thế giới do tâm hướng dẫn. Thế giới do tâm được diễn tiến, đi đến sự thuần phục của tâm được khởi lên.

2. – Lành thay, bạch Thế Tôn.

Tỷ-kheo ấy sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, lại hỏi Thế Tôn một câu khác:

– Bậc nghe nhiều, trì pháp. Bậc nghe nhiều, trì pháp, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là một bậc nghe nhiều, trì pháp?

– Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Hiền thiện là con đường Thầy đặt vấn đề, hiền thiện là sự biện tài, hiền thiện là câu hỏi! Này Tỷ-kheo, có phải Thầy hỏi như sau: “Bậc nghe nhiều, trì pháp. Bậc nghe nhiều, trì pháp, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là một bậc nghe nhiều, trì pháp?”

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

– Nhiều, này Tỷ-kheo, là pháp ta thuyết giảng: Kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Kệ tụng, Cảm hứng ngữ, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu, Phương quảng. Này Tỷ-kheo, nếu ai hiểu nghĩa một bài kệ có bốn câu, hiểu pháp và thực hành pháp tùy pháp, người ấy được gọi là vị nghe nhiều, trì pháp.

3. – Lành thay, bạch Thế Tôn.

Tỷ-kheo sau khi hoan hỷ … lại hỏi thêm câu nữa:

– Bậc có nghe với trí tuệ thể nhập (quyết trạch), bậc có nghe với trí tuệ thể nhập, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến khi nào, bạch Thế Tôn, được gọi là bậc có nghe với trí tuệ thể nhập?

– Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo, hiền thiện … hiền thiện là câu hỏi! Này Tỷ-kheo, có phải Thầy hỏi như sau: “Bậc có nghe với trí tuệ thể nhập (quyết trạch), bậc có nghe với trí tuệ thể nhập, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến khi nào, bạch Thế Tôn, được gọi là bậc có nghe với trí tuệ thể nhập?”

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

– Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được nghe: “Ðây là khổ”, thể nhập và thấy ý ấy nghĩa với trí tuệ. Ðược nghe: “Ðây là khổ tập”, thể nhập và thấy ý nghĩa ấy với trí tuệ. Ðược nghe: “Ðây là khổ diệt”, thể nhập và thấy ý nghĩa ấy với trí tuệ. Ðược nghe: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”, thể nhập và thấy ý nghĩa với trí tuệ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là vị có nghe với trí tuệ thể nhập.

4.- Lành thay, bạch Thế Tôn.

Tỷ-kheo ấy sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, lại hỏi Thế Tôn một câu khác:

– Bậc Hiền trí, Ðại tuệ. Bậc Hiền trí, Ðại tuệ, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào bạch Thế Tôn, được gọi là Bậc Hiền trí, Ðại tuệ?

– Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Hiền thiện là con đường Thầy đặt vấn đề, hiền thiện là sự biện tài, hiền thiện là câu hỏi! Này Tỷ-kheo, có phải Thầy hỏi như sau: “Bậc Hiền trí, Ðại tuệ. Bậc Hiền trí, Ðại tuệ, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào bạch Thế Tôn, được gọi là Bậc Hiền trí, Ðại tuệ?”

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

– Ở đây, này Tỷ-kheo, Bậc Hiền trí, Ðại tuệ, không có nghĩ tự làm hại mình, không có nghĩ tự làm hại người, không có nghĩ tự mình làm hại cả hai, có suy nghĩ điều gì thời suy nghĩ lợi mình, lợi người, lợi cả hai, lợi toàn thể thế giới. Như vậy, này Tỷ-kheo, là Bậc Hiền trí, Ðại tuệ.

(VII) (187) Vassakàra

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Rồi Bà-la-môn Vassakàra, một đại thần nước Magadha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón thăm hỏi. Sau khi nói lên với Thế Tôn những lời chào đón thăm hỏi thân hữu, Bà-la-môn Vassakàra, bậc đại thần nước Magadha bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, bậc không phải chân nhân có thể biết một người không phải chân nhân: “Vị này không phải là bậc chân nhân”?

– Không có trường hợp này, này Bà-la-môn, không có cơ hội để một người không phải chân nhân có thể biết một người không phải chân nhân: “Vị này không phải là bậc chân nhân”.

2.- Thưa Tôn giả Gotama, bậc không phải chân nhân có thể biết bậc chân nhân là: “Vị này là bậc chân nhân”?

– Không có trường hợp này, này Bà-la-môn, không có cơ hội để một người không phải chân nhân có thể biết một người chân nhân: “Vị này là bậc chân nhân”.

3.- Thưa Tôn giả Gotama, bậc chân nhân có thể biết một bậc chân nhân: “Vị này là bậc chân nhân”?

– Có trường hợp, này Bà-la-môn, có cơ hội để một người chân nhân có thể biết một người chân nhân: “Vị này là bậc chân nhân”.

4. – Nhưng thưa Tôn giả Gotama, có trường hợp một người chân nhân biết một người không phải là chân nhân: “Vị này không phải là bậc chân nhân”?

– Có trường hợp, này Bà-la-môn, có cơ hội để một người chân nhân có thể biết một người không phải là chân nhân: “Vị này không phải là bậc chân nhân”.

5. – Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama, thật hy hữu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật khéo là lời nói này của Tôn giả Gotama: “Không có trường hợp này, này Bà-la-môn, không có cơ hội để một người không phải chân nhân có thể biết một người không phải chân nhân: “Vị này không phải là bậc chân nhân”. Không có trường hợp này, này Bà-la-môn, không có cơ hội để một người không phải chân nhân có thể biết một người chân nhân: “Vị này là bậc chân nhân”. Có trường hợp, này Bà-la-môn, có cơ hội để một người chân nhân có thể biết một người chân nhân: “Vị này là bậc chân nhân”. Có trường hợp, này Bà-la-môn, có cơ hội để một người chân nhân có thể biết một người không phải là chân nhân: “Vị này không phải là bậc chân nhân”.

6. Một thời, thưa Tôn giả Gotama, hội chúng của Bà-la-môn Todeyya đang nói lên những lời nhiếc mắng người khác như sau: “Ngu si là vua Eleyya, đã quá hoan hỷ với Sa-môn Ràmaputta, đã làm những cử chỉ hết sức hạ liệt như sau đối với Sa-môn Ràmaputta, tức là đảnh lễ, từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay, đối xử thân thiện. Lại nữa, những tập đoàn này của vua Eleyya là ngu si, như Yamaka, Moggalla, Ugga, Nàvindaki, Gandhabba, Aggivessa. Những người này đã quá hoan hỷ với Sa-môn Ràmaputta, đã làm những cử chỉ hết sức hạ liệt như sau đối với Sa-môn Ràmaputta, tức là đảnh lễ, từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay, đối xử thân thiện”.

– Này Bà-la-môn, Ông có thấy như thế nào Bà-la-môn Todeyya dẫn dắt chúng bằng cách dắt dẫn này: “Các vị nghĩ thế nào, hiền trí là vua Eleyya? Giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề tranh chấp, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề cần được giải thích, có phải vua Eleyya được xem là vị có minh kiến thù thắng?”

– Thưa vâng, Tôn giả! Hiền trí là vua Eleyya. Giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề tranh chấp, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề cần được giải thích, vua Eleyya được xem là vị có minh kiến thù thắng. Vì rằng Sa-môn Ràmaputta còn hiền trí hơn sự hiền trí, còn có minh kiến thù thắng hơn sự minh kiến thù thắng của vua Eleyya, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề tranh chấp, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề cần được giải thích; do vậy vua Eleyya đã quá hoan hỷ với Sa-môn Ràmaputta, đã làm những cử chỉ hết sức hạ liệt như sau đối với Sa-môn Ràmaputta, tức là đảnh lễ, từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay, đối xử thân thiện.

– Các Tôn giả nghĩ thế nào “Hiền trí là tập đoàn của vua Eleyya, như Yamaka, Moggalla, Ugga, Nàvindaki, Gandhabba, Aggivessa không? Giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề tranh chấp, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề cần được giải thích, có phải tập đoàn của vua Eleyya là những bậc có minh kiến thù thắng?

– Thưa vâng, Tôn giả! Hiền trí là tập đoàn của vua Eleyya, như Yamaka, Moggalla, Ugga, Nàvindaki, Gandhabba, Aggivessa. Giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề tranh chấp, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề cần được giải thích, tập đoàn của vua Eleyya được xem là những bậc có minh kiến thù thắng. Vì rằng Sa-môn Ràmaputta được xem còn hiền trí hơn sự hiền trí, còn có minh kiến thù thắng hơn sự minh kiến thù thắng của tập đoàn vua Eleyya, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề tranh chấp, giữa những người có minh kiến giải thích những vấn đề cần được giải thích; do vậy tập đoàn của vua Eleyya đã quá hoan hỷ với Sa-môn Ràmaputta, đã làm những cử chỉ hết sức hạ liệt như sau đối với Sa-môn Ràmaputta, tức là đảnh lễ, từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay, đối xử thân thiện.

7. – Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama, thật hy hữu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật khéo là lời nói này của Tôn giả Gotama: “Không có trường hợp này, này Bà-la-môn, không có cơ hội để một người không phải bậc chân nhân có thể biết một người không phải chân nhân: “Vị này không phải là bậc chân nhân”. Không có trường hợp này, này Bà-la-môn, không có cơ hội để một người không phải bậc chân nhân có thể biết một người chân nhân: “Vị này là bậc chân nhân”. Có trường hợp, này Bà-la-môn, có cơ hội để một người chân nhân có thể biết một người chân nhân: “Vị này là bậc chân nhân”. Có trường hợp, này Bà-la-môn, có cơ hội để một người chân nhân có thể biết một người không phải là chân nhân: “Vị này không phải là bậc chân nhân”.

Thưa Tôn giả Gotama, nay chúng tôi phải đi, chúng tôi có nhiều công việc, có nhiều phận sự phải làm.

– Này Bà-la-môn, Ông hãy làm những gì mà Ông nghĩ là hợp thời.

Rồi Bà-la-môn Vassakàra, một đại thần xứ Magadha, hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn nói, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi ra đi.

(VIII) (188) Upaka

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Gijjhakùta. Rồi Upaka Mandikàputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Upaka Mandikàputta bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, con nói như sau, con thấy như sau: “Ai bắt đầu mắng nhiếc người khác và tiếp tục như vậy, người ấy về mọi phương diện không thể bênh vực lập trường của mình, do không thể bênh vực lập trường của mình, người ấy đáng bị quở trách, đáng bị phạm tội”.

– Này Upaka, ai bắt đầu mắng nhiếc người khác và tiếp tục như vậy, người ấy về mọi phương diện không thể bênh vực lập trường của mình, do không thể bênh vực lập trường của mình, người ấy đáng bị quở trách, đáng bị phạm tội! Này Upaka, Ông bắt đầu mắng nhiếc người khác và tiếp tục như vậy, Ông về mọi phương diện không thể bênh vực lập trường của mình, do không thể bênh vực lập trường của mình, Ông đáng bị quở trách, đáng bị phạm tội!

2. – Ví như, bạch Thế Tôn, một người bắt con vật của mình săn với một bẫy sập lớn, khi con vật thò đầu ra. Cũng vậy, con bị Thế Tôn bắt với cái bẫy sập lớn bằng chữ khi con vừa mới mở miệng (khi con vừa mới thò đầu ra).

– Này Upaka, “Ðây là bất thiện”. Ta nêu rõ như vậy với vô lượng câu, với vô lượng chữ, với vô lượng thuyết pháp của Như Lai. “Ðây là bất thiện!”, này Upaka, bất thiện này cần phải đoạn tận. Ta nêu rõ như vậy với vô lượng câu, với vô lượng chữ, với vô lượng thuyết pháp của Như Lai. “Ðây, pháp bất thiện này cần phải đoạn tận”. “Ðây là thiện”, này Upaka. Ta nêu rõ như vậy với vô lượng câu, với vô lượng chữ, với vô lượng thuyết pháp của Thế Tôn: “Ðây là pháp thiện”. Thiện pháp này cần phải tu tập. Này Upaka, Ta nêu rõ như vậy với vô lượng câu, với vô lượng chữ, với vô lượng thuyết pháp của Thế Tôn: “Ðây, pháp thiện này cần phải tu tập”.

3. Rồi Upaka Mandikàputta hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân hữu hướng về phía Ngài, rồi đi đến Ajàtasattu Vedehiputta, vua nước Magadha. Sau khi đến, Upaka tường thuật lại cho Ajàtasattu Vedehiputta, vua nước Magadha nghe tất cả cuộc đàm luận với Thế Tôn.

Ðược nghe nói như vậy, Ajàtasattu Vedehiputta, vua nước Magadha phẫn nộ, không hoan hỷ nói với Upaka Mandikàputta:

– Thật là độc hại, đứa trẻ làm muối này! Thật là lắm mồm, thật là kẻ liều mạng. Nghĩ rằng nó có thể nhiếc mắng Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Hãy đi đi, này Upaka! Chớ để Ta thấy Ông nữa!

(IX) (189) Chứng Ngộ

1.- Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp này cần phải chứng ngộ. Thế nào là bốn?

Này các Tỷ-kheo, có pháp cần phải chứng ngộ bằng thân; có pháp, này các Tỷ-kheo, cần phải chứng ngộ bằng niệm; có pháp, này các Tỷ-kheo, cần phải chứng ngộ bằng mắt; có pháp, này các Tỷ-kheo, cần phải chứng ngộ bằng trí tuệ.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải chứng ngộ bằng thân? Tám giải thoát, này các Tỷ-kheo, cần phải chứng ngộ bằng thân.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải chứng ngộ bằng niệm? Ðời sống trước, này các Tỷ-kheo, cần phải chứng ngộ bằng niệm.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải chứng ngộ bằng con mắt? Sanh tử của chúng sanh, này các Tỷ-kheo, cần phải chứng ngộ bằng con mắt.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải chứng ngộ bằng trí tuệ? Sự đoạn diệt các lậu hoặc, này các Tỷ-kheo, cần phải chứng ngộ bằng trí tuệ.

Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp này cần phải chứng ngộ.

(X) (190) Ngày Trai Giới

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Pubbàràma trong lâu đài của mẹ Migàrà. Lúc bấy giờ, Thế Tôn nhân ngày lễ trai giới, đang ngồi có chúng Tỷ-kheo vây quanh. Sau khi nhìn quanh chúng Tỷ-kheo đang im lặng, im lặng, rồi Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:

– Không nói lời phù phiếm, này các Tỷ-kheo, là hội chúng này; không nói lời vô ích, này các Tỷ-kheo, là hội chúng này, thanh tịnh, an lập trên căn bản. Chúng Tỷ-kheo này như vậy, này các Tỷ-kheo, hội chúng này như vậy, này các Tỷ-kheo; hội chúng như vậy khó tìm được ở đời! Chúng Tỷ-kheo này như vậy, này các Tỷ-kheo, hội chúng như vậy, đáng được tôn trọng, đáng được cung kính, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Chúng Tỷ-kheo này như vậy, này các Tỷ-kheo, hội chúng này như vậy, này các Tỷ-kheo, hội chúng này như vậy dầu cho ít, được lợi nhiều, còn cho nhiều, lại được lợi nhiều hơn nữa. Chúng Tỷ-kheo này như vậy, này các Tỷ-kheo, hội chúng này như vậy, này các Tỷ-kheo! Hội chúng này như vậy, nếu phải đi một do tuần để được yết kiến cũng nên đi, dầu có phải mang theo trên vai túi đựng đồ ăn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là chúng Tỷ-kheo này.

2. Có những Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, sống đạt được địa vị chư Thiên. Có những Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, sống đạt được địa vị Phạm Thiên. Có những Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, sống đạt được địa vị Bất động. Có những Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, sống đạt được Thánh vị.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống đạt được địa vị chư Thiên?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục … chứng và trú Sơ Thiền … Thiền thứ hai … Thiền thứ ba … chứng và trú Thiền thứ tư và an trú. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo sống đạt được địa vị chư Thiên.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống đạt được địa vị Phạm Thiên?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với tâm cùng khởi với từ – biến mãn một phương và an trú … với tâm cùng khởi với bi … với tâm cùng khởi với hỷ … với tâm cùng khởi với xả, biến mãn một phương và an trú. Cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên thế giới, vị ấy biến mãn với tâm cùng khởi với xả, quảng đại, đại hành, vô biên, không hận, không sân. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo sống đạt được địa vị Phạm Thiên.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống đạt được địa vị Bất động?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo sau khi vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn, sau khi chấm dứt các tưởng chướng ngại, sau khi không tác ý các tưởng sai biệt, nghĩ rằng: “Hư không là vô biên” chứng đạt và an trú “Không vô biên xứ”. Sau khi vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, nghĩ rằng: “Thức là vô biên”, chứng đạt và an trú “Thức vô biên xứ”. Sau khi vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, nghĩ rằng: “Không có vật gì” chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Sau khi vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo khéo chứng đạt Bất động.

6. – Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo chứng đạt địa vị bậc Thánh?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật quán tri: “Ðây là khổ” … “Ðây là khổ tập” … “Ðây là Khổ diệt” … như thật quán tri: “Ðây là con Ðường đưa đến khổ diệt”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đạt được địa vị bậc Thánh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang