XXV. Phẩm Ác Hành

(I) (241) Người Ác Hành (1)

1. – Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này cho người ác hành. Thế nào là năm?

2. Tự mình chỉ trích mình; sau khi suy xét, các bậc trí quở trách; tiếng ác đồn khắp; khi mạng chung, tâm bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này cho người ác hành.

3. Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này cho người thiện hành. Thế nào là năm?

4. Tự mình không chỉ trích mình; sau khi suy xét, các bậc trí tán thán; tiếng tốt đồn khắp; khi mạng chung, tâm không bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này.

Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này cho người thiện hành.

(II-IV) (242 – 244) Người Ác Hành (2)

1. – Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này cho người thân ác hành… cho người khẩu ác hành… cho người ý ác hành (giống như kinh 241 với những thay đổi cần thiết).(V) (245) Người Ác Hành (3)

(Như kinh 241 chỉ thay hai đoạn sau: “Từ bỏ diệu pháp, an trú phi diệu pháp”, với những thay đổi cần thiết).

(VI – VII) (246-247) Người Ác Hành (4)

1. – Có năm nguy hại này, này các Tỷ-kheo, cho người thân ác hành… cho người thân thiện hành… cho người khẩu ác hành… cho người khẩu thiện hành… người ý ác hành… cho người ý thiện hành.

2. Tự mình không chỉ trích mình; sau khi suy xét, các bậc trí tán thán; tiếng tốt đồn khắp; từ bỏ phi diệu pháp; an trú diệu pháp.

Có năm lợi ích này, này các Tỷ-kheo, cho người ý thiện hành.

(IX) (248) Nghĩa Ðịa

1. – Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong nghĩa địa. Thế nào là năm?

2. Bất tịnh, hôi thúi, đáng sợ hãi, trú xứ các phi nhân hung bạo, làm cho quần chúng than khóc.

Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong nghĩa địa.

3. Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong người được ví như nghĩa địa. Thế nào là năm?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thành tựu thân nghiệp bất tịnh, thành tựu khẩu nghiệp bất tịnh, thành tựu ý nghiệp bất tịnh. Ta nói rằng đây là sự bất tịnh của người ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, sự bất tịnh ấy của nghĩa địa. Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.

5. Ai thành tựu thân nghiệp bất tịnh, thành tựu khẩu nghiệp bất tịnh, thành tựu ý nghiệp bất tịnh, tiếng ác được đồn khắp. Ta nói rằng đây là mùi hôi thúi của người ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, mùi hôi thúi ấy của nghĩa địa. Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.

6. Với vị thành tựu thân nghiệp bất tịnh, thành tựu khẩu nghiệp bất tịnh, thành tựu ý nghiệp bất tịnh, các vị thuần tịnh đồng Phạm hạnh tránh né đứng xa. Ta nói rằng đây là sự đáng sợ hãi của người ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, sự đáng sợ hãi của nghĩa địa. Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.

7. Ai thành tựu thân nghiệp bất tịnh, thành tựu khẩu nghiệp bất tịnh, thành tựu ý nghiệp bất tịnh, sống chung với những hạng người cũng đồng chung với nếp sống ấy. Ta nói rằng đây là trú xứ hung bạo của người ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, trú xứ các phi nhân hung bạo của nghĩa địa, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.

8. Với vị thành tựu thân nghiệp bất tịnh, thành tựu khẩu nghiệp bất tịnh, thành tựu ý nghiệp bất tịnh này, các vị thuần tịnh đồng Phạm hạnh thấy vậy trở thành bất mãn và nói: “Ôi thật là khổ cho chúng tôi, chúng tôi phải chung sống với những người như vậy”. Ta nói rằng đây là làm cho quần chúng than khóc của người ấy. Ví như này các Tỷ-kheo, nghĩa địa là chỗ làm cho nhiều người than khóc, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.

Ðây là năm nguy hại, này các Tỷ-kheo, trong người được ví như nghĩa địa.

(X) (250) Tịnh Tín Ðối Với Một Người

1. – Có năm nguy hại này, này các Tỷ-kheo, trong lòng tịnh tín đối với một người. Thế nào là năm?

2. Trong người nào, này các Tỷ-kheo, một người có lòng tịnh tín, và người ấy rơi vào một tội phạm, và tùy theo tội phạm ấy, chúng Tăng ngưng chức vị ấy. Người này suy nghĩ: “Người mà ta ái mộ ưa thích, vị ấy bị chúng Tăng ngưng chức”, và người này không còn nhiều tịnh tín đối với các Tỷ-kheo, người này không có liên hệ với các Tỷ-kheo khác. Do không liên hệ với các Tỷ-kheo khác, người này không nghe diệu pháp. Do không nghe diệu pháp, người này thối đọa khỏi Chánh pháp. Ðây là nguy hại thứ nhất, này các Tỷ-kheo, trong sự tịnh tín đối với một người.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong người nào, một người có lòng tịnh tín, và vị ấy rơi vào một tội phạm, và tùy theo tội phạm ấy, chúng Tăng bắt vị ấy ngồi vào phía cuối. Người này suy nghĩ: “Người mà ta ái mộ ưa thích, vị ấy bị chúng Tăng bắt ra ngồi phía cuối”, và người này không còn nhiều tịnh tín đối với các Tỷ-kheo. Do không còn nhiều tịnh tín đối với các Tỷ-kheo, người này không có liên hệ đến các Tỷ-kheo khác. Do không liên hệ với các Tỷ-kheo khác, người này không nghe diệu pháp. Do không nghe diệu pháp, người này thối đọa khỏi Chánh pháp. Ðây là nguy hại thứ hai, này các Tỷ-kheo, trong sự tịnh tín đối với một người.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong người nào, một người có lòng tịnh tín, rồi người ấy đi vào một địa phương khác…người ấy bị loạn tâm…người ấy mạng chung. Người này suy nghĩ: “Người mà ta ái mộ ưa thích, vị ấy mạng chung”. Người này không liên hệ đến các Tỷ-kheo khác. Do không liên hệ với các Tỷ-kheo khác, người này không nghe diệu pháp. Do không nghe diệu pháp, người này thối đọa khỏi Chánh pháp. Ðây là nguy hại thứ năm, này các Tỷ-kheo, trong sự tịnh tín đối với một người.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang