VII. Phẩm Ðất Rung Ðộng

(I) (61) Dục

1. – Này các Tỷ-kheo, có tám hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là tám?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi sống nhàn tịnh, không có tinh tấn, khởi lên ước muốn có lợi dưỡng. Vị ấy hăng hái, phấn chấn tinh tấn để được lợi dưỡng. Dầu cho hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng, nhưng lợi dưỡng không khởi lên. Do không được lợi dưỡng ấy, vị ấy sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là Tỷ-kheo sống muốn lợi dưỡng, hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng. Do không được lợi dưỡng ấy, vị ấy sầu muộn, than van, khóc lóc, bỏ rơi diệu pháp.

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi sống nhàn tịnh, không có tinh tấn, khởi lên ước muốn có lợi dưỡng. Vị ấy hăng hái, phấn chấn tinh tấn để được lợi dưỡng. Do hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng, lợi dưỡng khởi lên. Với lợi dưỡng ấy, vị ấy đắm say, phóng dật, rơi vào trạng thái đắm say, phóng dật. Ðây gọi là Tỷ-kheo sống muốn lợi dưỡng, hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng; được lợi dưỡng, trở thành đắm say, phóng dật, và bỏ rơi diệu pháp.

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Có vị Tỷ-kheo trong khi sống nhàn tịnh, không có tinh tấn, khởi lên ước muốn có lợi dưỡng. Vị ấy không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng. Do vị ấy không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng, lợi dưỡng không khởi lên. Vị ấy do không được lợi dưỡng, nên sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh. Ðây gọi là Tỷ-kheo sống ham muốn lợi dưỡng, không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng; không được lợi dưỡng, vị ấy sầu muộn, than van, khóc lóc, bỏ rơi diệu pháp.

5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi sống nhàn tịnh, không có tinh tấn, khởi lên ước muốn có lợi dưỡng. Vị ấy không hăng hái, không phấn chấn không tinh tấn để được lợi dưỡng. Dầu vị ấy không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng, nhưng lợi dưỡng khởi lên. Với lợi dưỡng ấy, vị ấy đắm say, phóng dật, rơi vào trạng thái đắm say, phóng dật. Ðây gọi là Tỷ-kheo sống muốn lợi dưỡng, không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng; được lợi dưỡng, trở thành đắm say, phóng dật, và bỏ rơi diệu pháp.

6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi sống nhàn tịnh, không có tinh tấn, khởi lên ước muốn có lợi dưỡng. Vị ấy hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng. Dầu cho vị ấy hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng, lợi dưỡng không khởi lên. Vị ấy, dầu không được lợi dưỡng, không có sầu muộn, không có than van, không có khóc lóc, không có đập ngực, không có rơi vào bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là Tỷ-kheo sống muốn lợi dưỡng, hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng; không được lợi dưỡng, không có sầu muộn, không có than van, và không bỏ rơi diệu pháp.

7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi sống nhàn tịnh, không có tinh tấn, khởi lên ước muốn có lợi dưỡng. Vị ấy hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng. Do vị ấy hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng, lợi dưỡng khởi lên. Với lợi dưỡng ấy, vị ấy không đắm say, không phóng dật, không có rơi vào trạng thái đắm say. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo sống muốn lợi dưỡng, hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng; được lợi dưỡng, không đắm say, không phóng dật, và không bỏ rơi diệu pháp.

8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi sống nhàn tịnh, không có tinh tấn, khởi lên ước muốn có lợi dưỡng. Vị ấy không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng. Do vị ấy không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng, lợi dưỡng không khởi lên. Vị ấy dầu không được lợi dưỡng, không có sầu muộn, không có than van, không có khóc lóc, không có đập ngực, không có rơi vào bất tỉnh. Ðây gọi là Tỷ-kheo sống muốn lợi dưỡng, không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng; không được lợi dưỡng, vị ấy không sầu muộn, không than van, không khóc lóc, và không bỏ rơi diệu pháp.

9. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo trong khi sống nhàn tịnh, không có tinh tấn, khởi lên ước muốn có lợi dưỡng. Vị ấy không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng. Dầu cho vị ấy không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng, lợi dưỡng khởi lên. Với lợi dưỡng ấy, vị ấy không đắm say, không phóng dật, không có rơi vào trạng thái đắm say. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo sống muốn lợi dưỡng, không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng; được lợi dưỡng, không đắm say, không phóng dật, và không bỏ rơi diệu pháp.

Này các Tỷ-kheo, có tám hạng người này sống có mặt, hiện hữu ở đời.

(II) (62) Vừa Ðủ

1.- Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vừa đủ cho tự mình, vừa đủ cho các người khác. Thế nào là sáu?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nhanh nhẹn nắm được ý nghĩa trong các thiện pháp; là người thọ trì những pháp đã được nghe; là người suy tư ý nghĩa các pháp đã được thọ trì; sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, thực hành pháp, tùy pháp; giọng nói dễ nghe, phát âm tốt, lời nói tao nhã, phân minh, phát ngôn không bập bẹ, giải thích nghĩa lý xác minh; có khả năng thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các đồng Phạm hạnh. Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vừa đủ cho tự mình, vừa đủ cho các người khác.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vừa đủ cho tự mình, vừa đủ cho các người khác. Thế nào là năm?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không nhanh nhẹn nắm được ý nghĩa trong các thiện pháp; là người thọ trì những pháp đã được nghe; là người suy tư ý nghĩa các pháp đã được thọ trì; sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, thực hành pháp, tùy pháp; giọng nói dễ nghe, phát âm tốt, lời nói tao nhã, phân minh, phát ngôn không bập bẹ, giải thích nghĩa lý xác minh; có khả năng thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các đồng Phạm hạnh.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vừa đủ cho tự mình, vừa đủ cho các người khác.

5. Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vừa đủ cho tự mình, không vừa đủ cho các người khác. Thế nào là bốn?

6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nhanh nhẹn nắm được ý nghĩa trong các thiện pháp; là người thọ trì những pháp đã được nghe; là người suy tư ý nghĩa các pháp đã được thọ trì; sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, thực hành pháp, tùy pháp; giọng nói không dễ nghe, phát âm không tốt, lời nói không tao nhã, không phân minh, phát ngôn bập bẹ, giải thích nghĩa lý không xác minh; không có khả năng thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các đồng Phạm hạnh.

Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vừa đủ cho tự mình, không vừa đủ cho các người khác.

7. Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không vừa đủ cho tự mình, vừa đủ cho các người khác. Thế nào là bốn?

8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nhanh nhẹn nắm được ý nghĩa trong các thiện pháp; là người thọ trì những pháp đã được nghe; không là người suy tư ý nghĩa các pháp đã được thọ trì; không có sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, thực hành pháp, tùy pháp; giọng nói dễ nghe, phát âm tốt, lời nói tao nhã, phân minh, phát ngôn không bập bẹ, giải thích nghĩa lý xác minh; có khả năng thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các đồng Phạm hạnh.

Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không vừa đủ cho tự mình, vừa đủ cho các người khác.

9. Thành tựu ba pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vừa đủ cho tự mình, không vừa đủ cho các người khác. Thế nào là ba?

10. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không nhanh nhẹn nắm được ý nghĩa trong các thiện pháp; là người thọ trì những pháp đã được nghe; là người suy tư ý nghĩa các pháp đã được thọ trì; sau khi biết ý nghĩa, sau khi biết pháp, thực hành pháp, tùy pháp; giọng nói không dễ nghe, phát âm không tốt, lời nói không tao nhã, không phân minh, phát ngôn bập bẹ, giải thích nghĩa lý không xác minh; không có khả năng thuyết giảng, không khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các đồng Phạm hạnh.

Thành tựu ba pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vừa đủ cho tự mình, không vừa đủ cho các người khác. Thế nào là ba?

11. Thành tựu ba pháp này, này các Tỷ-kheo, vừa đủ cho các người khác, Tỷ-kheo không vừa đủ cho tự mình. Thế nào là ba?

12. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không nhanh nhẹn nắm được ý nghĩa trong các thiện pháp; là người thọ trì những pháp đã được nghe; không là người suy tư ý nghĩa các pháp đã được thọ trì; không là người sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, thực hành pháp, tùy pháp; giọng nói dễ nghe, giải thích nghĩa lý xác minh; có khả năng thuyết giảng, làm cho hoan hỷ các đồng Phạm hạnh.

Thành tựu ba pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỳ kheo là vừa đủ cho các người khác, Tỷ-kheo không vừa đủ cho tự mình.

13. Thành tựu hai pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vừa đủ cho tự mình, không vừa đủ cho các người khác. Thế nào là hai?

14. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không nhanh nhẹn nắm được ý nghĩa trong các thiện pháp; là người không thọ trì những pháp đã được nghe; là người suy tư ý nghĩa các pháp đã được thọ trì; là người sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, thực hành pháp, tùy pháp; giọng nói không dễ nghe, giải thích nghĩa lý không xác minh; không có khả năng thuyết giảng, làm cho hoan hỷ các đồng Phạm hạnh.

Thành tựu hai pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vừa đủ cho tự mình, không vừa đủ cho các người khác.

15. Thành tựu hai pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vừa đủ cho các người khác, không vừa đủ cho tự mình. Thế nào là hai?

16. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không nhanh nhẹn nắm được ý nghĩa trong các thiện pháp; là người không thọ trì những pháp đã được nghe; không suy tư ý nghĩa các pháp đã được thọ trì; không có sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, thực hành pháp, tùy pháp; giọng nói dễ nghe, phát âm tốt, lời nói tao nhã, phân minh, phát ngôn không bập bẹ, giải thích nghĩa lý xác minh; có khả năng thuyết giảng pháp thoại, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các đồng Phạm hạnh.

Thành tựu hai pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vừa đủ cho các người khác, không vừa đủ cho tự mình.

(III) (63) Pháp Lược Thuyết

1. Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

– Lành thay! bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con, sau khi nghe pháp của Thế Tôn, con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

– Như vậy, ở đây, một số người ngu si, thỉnh cầu Ta, sau khi pháp được giảng, họ nghĩ Ta là người họ cần phải đi theo.

– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con, Thiện Thệ hãy thuyết pháp vắn tắt. Con có thể hiểu được ý nghĩa lời của Thế Tôn thuyết giảng. Con có thể trở thành kẻ thừa tự lời Thế Tôn thuyết giảng.

2.- Vậy này Tỷ-kheo, Thầy cần phải học tập như sau:

“Nội tâm ta sẽ an trú, khéo vững trú. Các pháp ác, bất thiện sanh khởi không có xâm chiếm tâm và không có chân đứng”. Như vậy, này Tỷ-kheo, Thầy cần phải học tập.

3. Này Tỷ-kheo, khi nào nội tâm của Thầy được an trú, khéo vững trú, các pháp ác, bất thiện sanh khởi xâm chiếm tâm và có chân đứng, khi ấy, này Tỷ-kheo, Thầy cần phải học tập như sau:

“Từ tâm giải thoát sẽ được ta tu tập, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ địa, được làm cho kiên trì, được làm cho tích tập, được khéo tinh cần thực hành”. Như vậy, này Tỷ-kheo, Thầy cần phải học tập.

4. Này Tỷ-kheo, khi nào định này của Thầy được tu tập, được làm cho sung mãn như vậy, khi ấy, này Tỷ-kheo, Thầy cần phải tu tập định này với tầm với tứ; cần phải tu tập không tầm, chỉ với tứ; cần phải tu tập không tầm không tứ; cần phải tu tập có hỷ, cần phải tu tập không hỷ; cần phải tu tập câu hữu với lạc; cần phải tu tập câu hữu với xả. Này Tỷ-kheo, khi nào định này của Thầy được tu tập, được làm cho sung mãn như vậy, khi ấy này Tỷ-kheo, Thầy cần phải học tập như sau:

“Bi tâm giải thoát sẽ được Thầy tu tập … Hỷ tâm giải thoát sẽ được Thầy tu tập … Xả tâm giải thoát sẽ được Thầy tu tập, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ địa, được làm cho kiên trì, được làm cho tích tập, được khéo tinh cần thực hành”. Như vậy, này Tỷ-kheo, Thầy cần phải học tập.

5. Này Tỷ-kheo, khi nào định này của Thầy được tu tập, được làm cho sung mãn như vậy, khi ấy, này Tỷ-kheo, Thầy cần phải tu tập định này với tầm với tứ; cần phải tu tập không tầm, chỉ với tứ; cần phải tu tập không tầm không tứ; cần phải tu tập có hỷ, cần phải tu tập không hỷ; cần phải tu tập câu hữu với lạc; cần phải tu tập câu hữu với xả. Này Tỷ-kheo, khi nào định này của Thầy được tu tập, được làm cho sung mãn như vậy, khi ấy này Tỷ-kheo, Thầy cần phải học tập như sau:

“Ta sẽ sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời”. Như vậy, này Tỷ-kheo, Thầy cần phải học tập.

6. Này Tỷ-kheo, khi nào định này của Thầy được tu tập, được làm cho sung mãn như vậy, khi ấy, này Tỷ-kheo, Thầy cần phải tu tập định này với tầm với tứ; cần phải tu tập không tầm, với tứ; cần phải tu tập không tầm, không tứ; cần phải tu tập có hỷ, cần phải tu tập không hỷ; cần phải tu tập câu hữu với lạc; cần phải tu tập câu hữu với xả. Này Tỷ-kheo, khi nào định này của Thầy được tu tập, được làm cho sung mãn như vậy, khi ấy này Tỷ-kheo, Thầy cần phải học tập như sau:

“Ta sẽ sống quán thọ trên các cảm thọ … quán tâm trên các tâm … quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời”. Như vậy, này Tỷ-kheo, Thầy cần phải học tập.

7. Này Tỷ-kheo, khi nào định này của Thầy được tu tập, được làm cho sung mãn như vậy, khi ấy, này Tỷ-kheo, Thầy cần phải tu tập định này với tầm với tứ; cần phải tu tập không tầm, với tứ; cần phải tu tập không tầm, không tứ; cần phải tu tập có hỷ, cần phải tu tập không hỷ; cần phải tu tập câu hữu với lạc; cần phải tu tập câu hữu với xả. Này Tỷ-kheo, khi nào định này của Thầy được tu tập, được làm cho sung mãn như vậy, khi ấy này Tỷ-kheo, chỗ nào, chỗ nào Thầy đi, chỗ ấy Thầy đi được an ổn; chỗ nào, chỗ nào Thầy sẽ đứng, chỗ ấy Thầy đứng được an ổn; chỗ nào, chỗ nào sẽ Thầy ngồi, chỗ ấy Thầy ngồi được an ổn; chỗ nào, chỗ nào Thầy sẽ nằm, chỗ ấy Thầy sẽ nằm được an ổn.

8. Tỷ-kheo ấy, được Thế Tôn giáo giới với bài giáo giới này, từ chỗ ngồi, đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi. Tỷ-kheo ấy sống một mình, thanh tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu chứng đạt được mục đích mà các thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Ðây là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại, tự mình chứng tri với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy rõ biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành. Những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”. Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán.

(VI) (64) Tagayà

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Gayasisa. Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo” – “Thưa vâng, bạch Thế Tôn. “.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

2.- Này các Tỷ-kheo, trước khi Ta giác ngộ, chưa thành Chánh Ðẳng Giác, Ta còn làm Bồ Tát, Ta tưởng tri ánh sáng, Ta không thấy sắc. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta suy nghĩ: “Nếu Ta có thể tưởng tri ánh sáng và Ta có thể thấy được màu sắc, như vậy tri kiến của Ta được thanh tịnh hơn lên”. Rồi này các Tỷ-kheo, sau một thời gian Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, Ta tưởng tri ánh sáng và thấy được các sắc, nhưng Ta không giao thiệp với chư Thiên ấy, không nói chuyện, không thảo luận”.

3. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu Ta có thể tưởng tri ánh sáng có thể thấy được các sắc, có thể giao thiệp với chư Thiên ấy, có thể nói chuyện, có thể thảo luận, như vậy, tri kiến này của Ta được thanh tịnh hơn lên”. Và này các Tỷ-kheo, sau một thời gian Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, tưởng tri ánh sáng và thấy được các sắc, và cùng chư Thiên ấy giao thiệp, nói chuyện và thảo luận. Nhưng Ta không biết về các chư Thiên ấy: “Chư Thiên này thuộc về Thiên chúng này, thuộc về Thiên chúng này”.

4. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu Ta tưởng tri ánh sáng, thấy được các sắc, giao thiệp với chư Thiên ấy, nói chuyện, thảo luận với chư Thiên ấy và biết được về chư Thiên ấy : “Chư Thiên này thuộc về Thiên chúng này, thuộc về Thiên chúng này”, như vậy, tri kiến này của Ta được thanh tịnh hơn “. Rồi này các Tỷ-kheo, sau một thời gian Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, tưởng tri ánh sáng và thấy được các sắc, và cùng chư Thiên ấy giao thiệp, nói chuyện, thảo luận với chư Thiên ấy, biết được: “Chư Thiên này thuộc về Thiên chúng này, Thiên chúng này”, nhưng Ta không biết được: “Chư Thiên này do quả dị thục của nghiệp này, chết từ đây sanh ra tại chỗ ấy”; Ta biết được chư Thiên ấy: “Chư Thiên này do quả dị thục của nghiệp này, chết từ đây sanh ra tại chỗ ấy”; nhưng Ta không biết được: “Chư Thiên này, do đồ ăn như thế này, cảm thọ khổ lạc như thế này”; Ta biết được: “Chư Thiên này, do đồ ăn như thế này, cảm thọ khổ lạc như thế này”; nhưng Ta không biết được chư Thiên ấy: “Chư Thiên này, tuổi thọ dài như thế này, tồn tại lâu dài như thế này”, Ta biết được: “Chư Thiên này, tuổi thọ dài như thế này, tồn tại lâu dài như thế này”; nhưng Ta không biết chư Thiên ấy: “Trước đây Ta có cùng ở với chư Thiên này, hay trước đây Ta không cùng ở với chư Thiên này? “

5. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu Ta nhận thức được ánh sáng, thấy được các sắc, cùng với chư Thiên ấy giao thiệp, nói chuyện, thảo luận, Ta có thể biết được chư Thiên ấy: “Chư Thiên này thuộc Thiên chúng này, thuộc Thiên chúng này”. Ta có thể biết được chư Thiên ấy: “Chư Thiên này, do quả dị thục của nghiệp này, chết tại chỗ này, sanh tại chỗ ấy”. Ta có thể biết được chư Thiên ấy: “Chư Thiên này, do ăn đồ ăn như thế này, cảm thọ khổ lạc như thế này”; Ta có thể biết được chư Thiên ấy: “Chư Thiên này, tuổi thọ dài như thế này, tồn tại lâu dài như thế này”; Ta có thể biết được chư Thiên ấy: “Chư Thiên này, trước đây Ta có cùng ở với chư Thiên này, hay trước đây Ta không cùng ở với chư Thiên này”; như vậy, tri kiến của Ta được thanh tịnh hơn trước”. Này các Tỷ-kheo, sau một thời gian sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, Ta tưởng tri ánh sáng, thấy được các sắc, Ta giao thiệp, nói chuyện, thảo luận với các chư Thiên ấy, Ta biết được chư Thiên ấy: “Chư Thiên này thuộc Thiên chúng này, thuộc Thiên chúng này”. Ta biết được chư Thiên ấy: “Chư Thiên này, do quả dị thục của nghiệp này, chết tại chỗ này, sanh tại chỗ ấy”. Ta biết được chư Thiên ấy: “Chư Thiên này, do ăn đồ ăn như thế này, cảm thọ khổ lạc như thế này”; Ta biết được chư Thiên ấy: “Chư Thiên này, tuổi thọ dài như thế này, tồn tại lâu dài như thế này”; Ta biết được chư Thiên ấy: “Chư Thiên này, trước đây Ta có cùng ở với chư Thiên này, hay trước đây Ta không có ở cùng với chư Thiên này”.

6. Này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào tri kiến gồm có tám diễn tiến và thuộc thượng giới Thiên này không được khéo thanh tịnh nơi Ta, thời Ta không có xác chứng trong thế giới chư Thiên với Ma giới, Phạm Thiên giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, rằng Ta đã chứng ngộ Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác. Này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào tri kiến gồm có tám diễn tiến và thuộc thượng giới Thiên này được khéo thanh tịnh nơi ta, thời Ta có xác chứng trong thế giới chư Thiên với Ma giới, Phạm Thiên giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, rằng Ta đã chứng ngộ Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác. Tri kiến khởi lên nơi Ta: “Bất động là tâm giải thoát của Ta. Ðây là đời sống cuối cùng, không còn tái sanh nữa”.

(V) (65) Thắng Xứ

1.- Này các Tỷ-kheo, có tám thắng xứ này. Thế nào là tám?

2. Một vị tưởng tri nội sắc, thấy các loại ngoại sắc, có hạn lượng đẹp xấu. Vị ấy tưởng tri rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy. Ðó là thắng xứ thứ nhất.

3. Một vị tưởng tri nội sắc, thấy các loại ngoại sắc, không có hạn lượng đẹp xấu. Vị ấy tưởng tri rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy. Ðó là thắng xứ thứ hai.

4. Một vị tưởng tri vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc hạn lượng đẹp xấu. Vị ấy tưởng tri rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy. Ðó là thắng xứ thứ ba.

5. Một vị tưởng tri vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc vô lượng đẹp xấu. Vị ấy tưởng tri rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy. Ðó là thắng xứ thứ tư.

6. Một vị tưởng tri vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu xanh, sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh. Vị ấy tưởng tri rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy. Ðó là thắng xứ thứ năm.

7. Một vị tưởng tri vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu vàng, sắc màu vàng, tướng sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng. Vị ấy tưởng tri rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy. Ðó là thắng xứ thứ sáu.

8. Một vị tưởng tri vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, sắc màu đỏ, tướng sắc đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ. Vị ấy tưởng tri rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy. Ðó là thắng xứ thứ bảy.

9. Một vị tưởng tri vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu trắng, sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng. Vị ấy tưởng tri rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy. Ðó là thắng xứ thứ năm.

Này các Tỷ-kheo, những pháp này là tám thắng xứ.

(VI) (66) Các Giải Thoát

1.- Này các Tỷ-kheo, có tám giải thoát này. Thế nào là tám?

2. “Tự mình có sắc, thấy các sắc”. Ðó là giải thoát thứ nhất.

3. “Tưởng tri nội sắc là vô sắc, thấy các ngoại sắc”. Ðó là giải thoát thứ hai.

4. “Chú tâm trên suy tưởng (sắc là) tịnh”. Ðó là giải thoát thứ ba.

5. “Vượt khỏi hoàn toàn sắc tướng, chấm dứt các tưởng đối ngại, không tác ý đến các tưởng khác biệt, với suy tư: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ. Ðó là giải thoát thứ tư.

6. “Vượt khỏi hoàn toàn Hư không vô biên xứ, với suy tư: “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ. Ðó là giải thoát thứ năm.

7. “Vượt khỏi hoàn toàn Thức vô biên xứ, với suy tư: “Không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Ðó là giải thoát thứ sáu.

8. “Vượt khỏi hoàn toàn Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ðó là giải thoát thứ bảy.

9. “Vượt khỏi hoàn toàn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng. Ðó là giải thoát thứ tám.

Này các Tỷ-kheo, có tám giải thoát này.

(VIII) (67) Phi Thánh Ngôn

1. – Này các Tỷ-kheo, có tám phi thánh ngôn này. Thế nào là tám?

2. Không thấy nói thấy, không nghe nói nghe, không nghĩ nói nghĩ, không biết nói biết, thấy nói không thấy, nghe nói không nghe, nghĩ nói không nghĩ, biết nói không biết.

Này các Tỷ-kheo, đây là tám phi Thánh ngôn.

(VIII) (68) Thánh Ngôn

1. – Này các Tỷ-kheo, có tám thánh ngôn này. Thế nào là tám?

2. Không thấy nói không thấy, không nghe nói không nghe, không nghĩ nói không nghĩ, không biết nói không biết, thấy nói thấy, nghe nói nghe, nghĩ nói nghĩ, biết nói biết.

Này các Tỷ-kheo, đây là tám Thánh ngôn.

(IX) (69) Các Hội Chúng

1. – Này các Tỷ-kheo, có tám hội chúng này. Thế nào là tám?

2. Hội chúng Sát-đế-lỵ, hội chúng Bà-la-môn, hội chúng gia chủ, hội chúng Sa-môn, hội chúng Bốn Thiên vương, hội chúng cõi trời Ba mươi ba, hội chúng Màra, hội chúng Phạm thiên.

3. Này các Tỷ-kheo, Ta nhớ rằng Ta đã đi đến hàng trăm hội chúng Sát-đế-lỵ. Tại đấy, Ta lúc trước có hội họp, lúc trước có nói chuyện, lúc trước có thảo luận; Tại đấy, dung sắc của họ như thế nào, dung sắc của Ta trở thành như của họ; giọng nói của họ như thế nào, giọng nói của Ta trở thành như của họ. Và Ta, với pháp thoại, thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Khi Ta nói, họ không biết Ta là ai. Họ nói: “Người nói này là ai, Thiên nhân hay loài Người? “. Sau khi thuyết giảng với pháp thoại, thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, Ta biến mất. Khi Ta biến mất, họ không biết Ta là ai. Họ nói: “Người biến mất này là ai, Thiên nhân hay loài Người? “

4. Này các Tỷ-kheo, Ta nhớ rằng Ta đã đi đến hàng trăm hội họ Bà-la-môn, … hàng trăm hội chúng Gia chủ, … hàng trăm hội chúng Sa-môn, … hàng trăm hội chúng Bốn Thiên vương, … hàng trăm hội chúng cõi Trời Ba mươi ba,… hàng trăm hội chúng Màra…. hàng trăm hội chúng Phạm thiên. Tại đấy, Ta lúc trước có hội họp, lúc trước có nói chuyện, lúc trước có thảo luận; tại đấy dung sắc của họ như thế nào, dung sắc của Ta trở thành như của họ; giọng nói của họ như thế nào, giọng nói của Ta trở thành như của họ. Và Ta, với pháp thoại, thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Khi Ta nói, họ không biết Ta là ai. Họ nói: “Người nói này là ai, Thiên nhân hay loài Người? “. Sau khi thuyết giảng với pháp thoại, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, Ta biến mất. Khi Ta biến mất, họ không biết Ta là ai. Họ nói: “Người biến mất này là ai, Thiên nhân hay loài Người? “

Này các Tỷ-kheo, đây là tám hội chúng.

(X) (70) Ðộng Ðất

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Ðại Lâm, ở ngôi nhà có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, đem theo y và bát, vào Vesàli để khất thực. Sau khi đi khất thực, ăn xong và trên đường khất thực trở về, Ngài nói với Tôn giả Ananda:

2. – Này Ananda, hãy lấy tọa cụ, chúng ta sẽ đi đến Càpàla để nghỉ trưa.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, lấy tọa cụ và đi theo sau lưng Thế Tôn.

3. Thế Tôn đi đến đền Càpàla, sau khi đến, Ngài ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:

4. – Này Ananda, khả ái thay Vesàli! Khả ái thay đền Udena! Khả ái thay đền Gotamaka! Khả ái thay đền Bahuputtaka! Khả ái thay đền Sattamba! Khả ái thay đền Sàrandada! Khả ái thay đền Càpàla! Này Ananda, những ai đã tu tập bốn thần túc, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ địa, kiên trì, tích tập, khéo thực hành, nếu muốn, này Ananda, người ấy có thể sống một kiếp hay một phần kiếp còn lại. Này Ananda, nay Như Lai đã tu tập bốn thần túc, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ địa, kiên trì, tích tập, khéo thực hành. Này Ananda, nếu muốn Như Lai có thể sống một kiếp hay một phần kiếp còn lại.

Như vậy, Tôn giả Ananda không thể nhận hiểu sự gợi ý quá rõ ràng của Thế Tôn, sự hiện tướng quá rõ ràng của Thế Tôn, Tôn giả không thỉnh cầu Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp, Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người “, vì tâm của Tôn giả bị Ma vương ám ảnh.

5. Lần thứ hai Thế Tôn … lần thứ ba, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:

6. – Này Ananda, khả ái thay Vesàli! Khả ái thay đền Udena! Khả ái thay đền Gotamaka! Khả ái thay đền Bahuputtaka! Khả ái thay đền Sattamba! Khả ái thay đền Sàrandada! Khả ái thay đền Càpàla! Này Ananda, những ai đã tu tập bốn thần túc, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ địa, kiên trì, tích tập, khéo thực hành, nếu muốn, này Ananda, người ấy có thể sống đến một kiếp hay một phần kiếp còn lại. Này Ananda, Như Lai đã tu tập bốn thần túc, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ địa, kiên trì, tích tập, khéo thực hành. Này Ananda, nếu muốn Như Lai có thể sống một kiếp hay một phần kiếp còn lại.

Như vậy, Tôn giả Ananda không thể nhận hiểu sự gợi ý quá rõ ràng của Thế Tôn, sự hiện tướng quá rõ ràng của Thế Tôn, Tôn giả không thỉnh cầu Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp, Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người “, vì tâm của Tôn giả bị Ác Ma ám ảnh.

7. Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:

– Này Ananda, hãy đi và làm những gì Thầy nghĩ là phải thời.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Ngài, thân bên hữu hướng về Thế Tôn rồi ra đi, ngồi xuống một gốc cây, không xa Thế Tôn.

8. Rồi Tôn giả Ananda ra đi chưa bao lâu, Ác ma nói với Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy diệt độ. Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ. Bạch Thế Tôn, đây là lời Thế Tôn đã nói: “Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ cho đến khi nào những Tỷ-kheo của Ta chưa trở thành những đệ tử tinh thông, có huấn luyện, có tin tưởng, đạt được an ổn khỏi khổ ách, nghe nhiều, thọ trì pháp, thực hành pháp và tùy pháp, sở hành chơn chánh, hành trì theo pháp; sau khi học hỏi như bậc Sư trưởng của mình, chưa tuyên bố, thuyết giảng trình bày xác định, khai minh, phân tích, và giải thích rõ ràng chánh pháp; khi có tà đạo khởi lên, chưa có thể bác bỏ, hàng phục với chánh pháp, chưa có thể thuyết pháp thần diệu”.

Bạch Thế Tôn, nay những Tỷ-kheo của Thế Tôn đã trở thành những đệ tử tinh thông, có huấn luyện, có tin tưởng, đạt được an ổn khỏi khổ ách, nghe nhiều, thọ trì pháp, thực hành pháp và tùy pháp, sở hành chơn chánh, hành trì theo pháp; sau khi học hỏi như bậc Sư trưởng của mình, chưa tuyên bố, thuyết giảng trình bày xác định, khai minh, phân tích, và giải thích rõ ràng chánh pháp; khi có tà đạo khởi lên, đã có thể bác bỏ, hàng phục với chánh pháp, có thể thuyết pháp thần diệu”. Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn, Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn, đây là lời Thế Tôn đã nói: “Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ cho đến khi nào những Tỷ-kheo của Ta chưa trở thành những đệ tử tinh thông, có huấn luyện, có tin tưởng … khi nào những nam cư sĩ của Ta chưa trở thành, … khi nào những nữ cư sĩ của Ta chưa trở thành những đệ tử tinh thông, có huấn luyện, có tin tưởng, đạt được an ổn khỏi khổ ách, nghe nhiều, thọ trì pháp, thực hành pháp và tùy pháp, sở hành chơn chánh, hành trì theo pháp; sau khi học hỏi như bậc Sư trưởng của mình, chưa tuyên bố, thuyết giảng trình bày xác định, khai minh, phân tích, và giải thích rõ ràng chánh pháp; khi nào có tà đạo khởi lên, chưa có thể bác bỏ, hàng phục với chánh pháp, chưa có thể thuyết pháp thần diệu”.

Bạch Thế Tôn, nay những cư sĩ của Thế Tôn đã trở thành đệ tử tinh thông, có huấn luyện, có tin tưởng, đạt được an ổn khỏi khổ ách, nghe nhiều, thọ trì pháp, thực hành pháp và tùy pháp, sở hành chơn chánh, hành trì theo pháp; sau khi học hỏi giáo lý đã có thể tuyên bố, thuyết giảng trình bày xác định, khai minh, phân tích, và giải thích rõ ràng Chánh pháp; khi có tà đạo khởi lên, đã có thể bác bỏ, hàng phục với chánh pháp, có thể thuyết pháp thần diệu”.

Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy diệt độ! Thiện Thệ hãy diệt độ! Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ! Bạch Thế Tôn, đây là lời Thế Tôn đã nói: “Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào Phạm hạnh Ta giảng dạy chưa thịnh đạt, phát triển, quảng bá, biến mãn, phổ biến, khéo thuyết giảng cho chư Thiên và loài Người “.

Nay bạch Thế Tôn, Phạm hạnh Thế Tôn giảng dạy được thịnh đạt, phát triển, quảng bá, biến mãn, phổ biến, khéo thuyết giảng cho chư Thiên và loài Người. Nay Thế Tôn hãy diệt độ! Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ!

– Này Ác ma hãy yên tâm, không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ!

9. Và tại đền Càpàla, Thế Tôn chánh niệm, tỉnh giác, từ bỏ thọ hành (không duy trì mạng sống lâu hơn nữa). Khi Thế Tôn từ bỏ thọ hành, thời đại địa chấn động ghê rợn, tóc lông dựng ngược, sấm trời vang dậy. Lúc bấy giờ, Thế Tôn hiểu ý nghĩa sự kiện này, liền thốt ra lời cảm hứng như sau:

Mạng sống có hạn hay vô hạn
Tu sĩ từ bỏ không kéo dài
Nội tâm an lạc, trú Thiền định
Như thoát áo giáp tự ngã mang.

10. Lúc bấy giờ, Tôn giả Ananda suy nghĩ: “Thật là lớn, đất chấn động này. Thật là to lớn, đất chấn động này, đại địa chấn động ghê rợn, tóc lông dựng ngược và sấm trời vang dậy. Do nhân gì, do duyên gì, đại địa chấn động hiển lộ như vậy? “

Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn:

– Thật là lớn, đất chấn động này. Thật là to lớn, đất chấn động này, đại địa chấn động ghê rợn, tóc lông dựng ngược và sấm trời vang dậy. Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, đại địa chấn động hiển lộ như vậy?

11. – Này Ananda, có tám nhân, có tám duyên, khiến đại địa chấn động. Thế nào là tám?

12. Này Ananda, đại địa này thiết lập trên nước, nước ở trên gió và gió ở trên hư không. Này Ananda, đến thời gió lớn khởi lên, khi gió lớn thổi lên nước rung động, và khi nước rung động thì quả đất rung động. Ðó là nhân thứ nhất, duyên thứ nhất, đại địa chấn động.

13. Lại nữa, này Ananda, có Sa-môn hay Bà-la-môn có thần thông, tâm được tự tại, hay hàng chư Thiên có đại thần thông, có đại uy lực; những vị này tu tập địa tưởng có hạn, thủy tưởng vô lượng, vị ấy có thể khiến quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Này Ananda, đó là nhân thứ hai, duyên thứ hai, khiến đại địa chấn động.

14. Lại nữa, này Ananda, khi Bồ-tát từ bỏ thân chư Thiên Tusità (Ðâu-xuất), chánh niệm, tỉnh giác, nhập vào mẫu thai, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Này Ananda, đó là nhân thứ ba, duyên thứ ba, khiến đại địa chấn động.

15. Lại nữa, này Ananda, khi Bồ-tát, chánh niệm, tỉnh giác, ra khỏi mẫu thai; khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Này Ananda, đó là nhân thứ tư, duyên thứ tư, khiến đại địa chấn động.

16. Lại nữa, này Ananda, khi Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh Ðẳng Giác; khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Này Ananda, đó là nhân thứ năm, duyên thứ năm, khiến đại địa chấn động.

17. Lại nữa, này Ananda, khi Như Lai chuyển bánh xe Pháp; khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Này Ananda, đó là nhân thứ sáu, duyên thứ sáu, khiến đại địa chấn động.

18. Lại nữa, này Ananda, khi Như Lai chánh niệm, tỉnh giác, từ bỏ không duy trì mạng sống (thọ hành); khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Này Ananda, đó là nhân thứ bảy, duyên thứ bảy, khiến đại địa chấn động.

19. Lại nữa, này Ananda, khi Như Lai nhập Vô dư Niết-bàn; khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Này Ananda, đó là nhân thứ tám, duyên thứ tám, khiến đại địa chấn động.

Này Ananda, có tám nhân này, tám duyên này khiến đại địa chấn động.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang