(I) (71) Ước Nguyện
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn Anàthapindika. Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:
2. – Này các Tỷ-kheo, hãy sống đầy đủ giới, đầu đủ giới bổn Pàtimokkha. Hãy sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập các học pháp.
Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng ta được các đồng Phạm hạnh thương mến, yêu quý, cung kính và bắt chước”. Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì, nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn Thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống tại các xứ không tịnh. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng ta được các vật dụng như y phục, các món ăn khất thực, sàng tọa và các dược phẩm trị bệnh”, Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì, nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn Thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống tại các trú xứ không tịnh. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng ta hưởng thọ các vật dụng như y áo, các món ăn khất thực, sàng tọa và các dược phẩm trị bệnh. Mong rằng hành động của những vị ấy tạo ra các vật dụng ấy được quả báo lớn, được lợi ích lớn”, Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên)… trú xứ không tịnh. Này các Tỷ kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng những bà con huyết thống với ta, khi chết và mệnh chung nghĩ (đến ta) với tâm hoan hỷ, (và nhờ vậy) được quả báo lớn, được lợi ích lớn”. Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên)… trú xứ không tịnh. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng ta biết đủ với bất cứ vật dụng gì như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh”, Tỷ-kheo ấy phải sống đầy đủ giới… trú xứ không tịnh. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng ta kham nhẫn với lạnh, nóng, đói khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, của loài bò sát, kham nhẫn những cách nói mạ ly phỉ báng, kham nhẫn các cảm thọ về thân, những cảm thọ thống khổ, khốc liệt, đau nhói, nhức nhối, không sung sướng, không thích thú, chết điếng người”, thời Tỷ-kheo ấy phải sống đầy đủ giới… trú xứ không tịnh. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng ta nhiếp phục lạc và bất lạc, chớ không để lạc, bất lạc nhiếp phục ta. Mong rằng ta sống luôn luôn nhiếp phục lạc, bất lạc được khởi lên”, Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên)…. trú xứ không tịnh. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng ta nhiếp phục khiếp đảm và sợ hãi, chớ không phải khiếp đảm và sợ hãi nhiếp phục ta. Mong rằng ta sống luôn luôn nhiếp phục khiếp đảm và sợ hãi được khởi lên”. Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên)… trú xứ không tịnh. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng tùy theo ý muốn, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức, ta chứng được bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú”. Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên)… trú cứ không tịnh. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: “Với sự đoạn tận các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát”. Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn Thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống trong các trú xứ không tịnh.
Này các Tỷ-kheo, hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và tu học trong các học pháp. Như vậy được nói đến, chính do duyên này được nói đến như vậy.
(II) (72) Cây Gai
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Ðại Lâm, ở ngôi nhà có nóc nhọn, với rất nhiều các Thượng tọa có danh tiếng, có danh tiếng như Tôn giả Càla, Tôn giả Upàcàla, Tôn giả Kakkata, Tôn giả Kalimbha, Tôn giả Nikata, Tôn giả Katissaha, cùng nhiều Tôn giả có danh tiếng khác.
2. Lúc bấy giờ có nhiều Licchavì có danh tiếng, có danh tiếng lớn đang cỡi các cỗ xe lộng lẫy, tranh đua cao tiếng, lớn tiếng đi vào Ðại Lâm để yết kiến Thế Tôn. Rồi các trưởng lão ấy suy nghĩ: “Có nhiều Licchavì có danh tiếng, có danh tiếng lớn đang cỡi các cỗ xe lộng lẫy, tranh đua cao tiếng, lớn tiếng đi vào Ðại lâm để yết kiến Thế Tôn, Thế Tôn có dạy: “Tiếng ồn là cây gai cho Thiền.” Vậy chúng ta hãy đi đến Gosinga, khu rừng cây sàla. Tại đây, chúng ta có thể sống an ổn, không ồn ào, không chen chúc.”
3. Rồi các Tôn giả ấy đi đến Gosinga, ngôi rừng các cây sàla. Tại đây, các Tôn giả ấy sống an ổn, không ồn ào, không chen chúc. Rồi Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, Càla ở đâu? Upacàla ở đâu? Kakkata ở đâu? Kalimbha ở đâu? Nikata ở đâu? Katissaha ở đâu? Này các Tỷ-kheo, các trưởng lão đệ tử ấy đi đâu?
– Ở đây, bạch Thế Tôn, các Tôn giả ấy suy nhĩ như sau: “Có nhiều Licchavì có danh tiếng, có danh tiếng lớn đang cỡi các cỗ xe lộng lẫy, tranh đua cao tiếng, lớn tiếng, đi vào Ðại Lâm để yết kiến Thế Tôn, Thế Tôn có dạy: “Tiếng ồn là cây gai cho thiền”. Vậy chúng ta hãy đi đến Gosinga khu rừng cây sàla. Tại đây, chúng ta có thể sống an ổn, không ồn ào, không chen chúc”. Bạch Thế Tôn, các Tôn giả ấy đã đi đến Gosinga, khu rừng cây sàla. Tại đây, các bậc Tôn giả ấy sống an ổn, không ồn ào, không chen chúc.
4. – Lành thay, lành thay, này các Tỷ-kheo. Trả lời như các đại đệ tử đã trả lời, là trả lời một cách chơn chánh. Này các Tỷ-kheo, “Tiếng ồn là gai cho thiền”, đã được Ta nói như vậy. Này các Tỷ-kheo, có mười loại cây gai này. Thế nào là mười?
5. Với người ưa thích viễn ly, ưa thích hội chúng là cây gai. Với người chuyên chú tu tập tướng bất tịnh, tu tập tịnh tướng là cây gai. Với người phòng hộ các căn, đi xem văn nghệ trình diễn là cây gai. Với người sống Phạm hạnh, thân cận với phụ nữ là cây gai. Với người chứng Thiền thứ nhất, tiếng ồn là cây gai. Với người chứng Thiền thứ hai, tầm tứ là cây gai. Với người chứng Thiền thứ ba, hỷ là cây gai. Với người chứng Thiền thứ tư, hơi thở là cây gai. Với người đã đạt được Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ là cây gai. Tham là cây gai. Sân là cây gai. Si là cây gai.
Này các Tỷ-kheo, hãy sống không phải là cây gai. Này các Tỷ-kheo, hãy sống rời khỏi cây gai. Này các Tỷ-kheo, hãy sống không phải là cây gai và rời khỏi cây gai. Này các Tỷ-kheo, không có cây gai là bậc A-la-hán. Này các Tỷ-kheo, rời khỏi cây gai là bậc A-la-hán. Này các Tỷ-kheo, vị không có gai và rời khỏi cây gai là bậc A-la-hán
(III) (73) Khả Lạc
1. – Có mười pháp này khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó tìm được ở đời. Thế nào là mười?
2. Tài sản khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó tìm được ở đời, dung sắc… không bệnh… các giới đức… Phạm hạnh… các bạn bè… nhiều trí…. các pháp… thiên giới, khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời.
Này các Tỷ-kheo, mười pháp khả lạc, khả lạc, khả hỷ, khả này khó tìm được ở đời.
3. Này các Tỷ-kheo, đối với mười pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời này, mười pháp là những chướng ngại. Thế nào là mười?
4. Thụ động và không hăng hái là chướng ngại cho tài sản. Không trang sức, không tô điểm là chướng ngại cho dung sắc. Hành động không thích ứng là chướng ngại cho không bệnh. Ác bằng hữu là chướng ngại cho giới đức. Không chế ngự các căn là chướng ngại cho Phạm hạnh. Lừa dối là chướng ngại cho các bạn bè. Không học tập là chướng ngại cho nhiều trí. Không nghe, không hỏi là chướng ngại cho trí tuệ. Không có chú tâm, không có quán sát là chướng ngại cho các pháp. Tà hạnh là chướng ngại cho Thiên giới.
Này các Tỷ-kheo, đối với mười khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời này, mười pháp này là những chướng ngại.
5. Này các Tỷ-kheo, đối với mười pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời này, mười pháp là những thức ăn. Thế nào là mười?
6. Không thụ động, hăng hái là món ăn cho các tài sản. Trang sức, tô điểm là món ăn cho dung sắc. Hành động thích ứng là món ăn cho không bệnh. Bạn bè với thiện bằng hữu là thức ăn cho các giới đức. Chế ngự các căn là thức ăn cho Phạm hạnh. Không có lừa dối là thức ăn cho bạn bè. Học tập là thức ăn cho trí tuệ. Chú tâm quán sát là thức ăn cho các pháp. Chánh hạnh là thức ăn cho Thiên giới.
Này các Tỷ-kheo, đối với mười pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời này, mười pháp này là những thức ăn.
(VI) (74) Tăng Trưởng
1. – Này các Tỷ-kheo, do tăng trưởng với mười tăng trưởng, vị Thánh đệ tử tăng trưởng Thánh tăng trưởng, nắm được tinh hoa và nắm được tối thắng của thân. Thế nào là với mười sự tăng trưởng?
2. Tăng trưởng ruộng đất, tăng trưởng tài sản lúa gạo, tăng trưởng vợ và con, tăng trưởng những người nô lệ, kẻ làm công, tăng trưởng các loài bốn chân, tăng trưởng lòng tin, tăng trưởng giới, tăng trưởng nghe nhiều, tăng trưởng thí, tăng trưởng trí tuệ.
Này các Tỷ-kheo, do tăng trưởng với mười tăng trưởng này, vị Thánh đệ tử tăng trưởng Thánh tăng trưởng, nắm được tinh hoa và nắm được tối thắng của thân.
Ai đời này tăng trưởng,
Tài sản và lúa gạo,
Tăng trưởng vợ và con,
Cùng các loài bốn chân,
Ðược danh, được kính trọng,
Như người nhiều tài sản,
Từ bà con bạn bè,
Và những người quyền thế,
Ai ở đời tăng trưởng,
Lòng tin và giới đức,
Trí tuệ và cả hai,
Bố thí và nghe nhiều,
Người như vậy là người,
Chân nhân và có mắt,
Ngay ở trong đời này,
Tăng trưởng cả hai phần.
(V) (75) Migasàlà
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anathapindika. Rồi Tôn giả Ananda vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát đi đến trú xứ của nữ cư sĩ Migasàlà; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi nữ cư sĩ Migasàlà đi đến Tôn giả Ananda, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ananda rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, nữ cư sĩ Magasàlà bạch Tôn giả Ananda:
2. – Thưa Tôn giả Ananada, như thế nào cần phải hiểu pháp được Thế Tôn thuyết giảng, rằng người sống phạm hạnh và người sống không phạm hạnh, cả hai sẽ đồng một chỗ thọ sanh trong đời sau? Thưa Tôn giả, phụ thân con Puràna sống phạm hạnh, sống viễn ly, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Vị ấy, khi mệnh chung được Thế Tôn trả lời: “Là bậc Nhất lai, sanh với thân ở Tusita”. Còn Isidatta, cậu của con, thưa Tôn giả, sống không Phạm hạnh, tự bằng lòng với vợ mình, sau khi mệnh chung, được Thế Tôn trả lời: “Là bậc Nhất lai, sanh với thân ở Tusita”. Như thế nào, thế nào, thưa Tôn giả Ananda, cần phải hiểu pháp này do Thế Tôn tuyên thuyết (nói rằng): “Cả hai, sống phạm hạnh và sống không phạm hạnh đều đồng đẳng về sanh thú trong tương lai”?
– Này Chị, chính như vậy là câu trả lời của Thế Tôn.
3. Rồi Tôn giả Ananda, sau khi nhận đồ khất thực tại nhà của nữ cư sĩ Migasàlà, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi ra đi. Rồi Tôn giả Ananda sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
– Ở đây, bạch Thế Tôn, vào buổi sáng, con đắp y, cầm y bát đi đến trú xứ của nữ cư sĩ Migasàlà, sau khi đến, con ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi nữ cư sĩ Migasàlà đi đến con, sau khi đến, đảnh lễ con ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn, nữ cư sĩ Magasàlà thưa với con:
– “Như thế nào, thế nào, thưa Tôn giả Ananda, cần phải hiểu pháp này do Thế Tôn thuyết (nói rằng): “Cả hai, sống phạm hạnh và sống không phạm hạnh đều đồng đẳng về sanh thú trong tương lai.”?. “Puràna thân phụ con, thưa Tôn giả, sống phạm hạnh, sống viễn ly, tránh xa dâm dục hạ liệt, khi mệnh chung, được Thế Tôn trả lời: “Là bậc Nhất Lai, sanh với thân ở Tusita”. Còn Isidatta, cậu của con, thưa Tôn giả, sống không Phạm hạnh, tự bằng lòng với vợ mình, sau khi mệnh chung, được Thế Tôn trả lời: “Là bậc Nhất Lai, sanh với thân ở Tusita.” Như thế nào, thế nào, thưa Tôn giả Ananda, cần phải hiểu pháp này do Thế Tôn tuyên thuyết (nói rằng): “Cả hai, sống phạm hạnh và sống không phạm hạnh đều đồng đẳng về sanh thú trong tương lai”? Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con nói với nữ cư sĩ Migasàlà:
– “Này Chị, chính như vậy là câu trả lời của Thế Tôn”.
– Nhưng này Ananda, ai là nữ cư sĩ Migasàlà, lại ngu si, kém thông minh, với thân như bà mẹ, với trí như bà mẹ, để có thể hiểu biết sự thắng liệt giữa các người.
Này Ananda, có mười hạng người, có mặt hiện hữu ở đời. Thế nào là mười?
4. Ở đây, này Ananda, có hạng người ác giới, không như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy; ở đây, ác giới ấy của người ấy được diệt trừ, không có dư tàn. Người ấy không có nghe pháp, không có học nhiều, không có thể nhập với chánh kiến, không chứng được nhất thời giải thoát. Người ấy sau khi thân hoại mạnh chung, hướng về thối đọa, không về thù thắng, chỉ đi đến thối đọa, không đi về thù thắng.
5. Nhưng ở đây, này Ananda, có hạng người ác giới, như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy; ở đây, ác giới ấy của người được trừ diệt, không có dư tàn. Người ấy có nghe pháp, có học nhiều, có khéo thể nhập với chánh kiến, chứng được nhất thời giải thoát. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, hướng về thù thắng, không hướng về thối đọa, chỉ đi đến thù thắng, không đi đến thối đọa.
Ở đây, này Ananda, ai là người đo lường, đo như sau: “Những pháp ấy có mặt trong người này, những pháp ấy cũng có mặt trong người kia. Vì sao, giữa hai người ấy, một là hạ liệt, một là thù thắng?”. Nhận xét như vậy đem lại đau khổ lâu dài cho họ. Ở đây này Ananda, người này là ác giới và như vậy rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy, chính ở nơi đây, ác giới ấy của người ấy được trừ diệt, không có dư tàn. Với vị ấy, có nghe pháp, có học hỏi nhiều, có khéo thể nhập với chánh kiến, chứng được nhất thời giải thoát. Này Ananda, hạng người này, so sánh với hạng người trước là vi diệu hơn, là thù thắng hơn. Vì sao? Vì dòng pháp đưa người này ra phía trước. Nhưng ai ngoài Như Lai có thể biết được sự khác biệt? Do vậy, này Ananda, chớ có làm người đo lường các hạng người. Chớ có làm sự đo lường các hạng người. Tự đào hố cho mình là người đi làm sự đo lường các hạng người. Chỉ có Ta, này Ananda, mới có thể làm sự đo lường các hạng người. Ai có thể được như Ta?
6. Ở đây, này Ananda, có hạng người có giới nhưng không như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy; ở đây, giới ấy của người ấy được đoạn diệt, không có dư tàn. Người ấy không có nghe pháp, không có học hỏi nhiều, không có thể nhập với chánh kiến, nên không chứng được nhất thời giải thoát. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, hướng về thối đọa, không huớng về thù thắng, chỉ đi đến thối đọa, không đi đến thù thắng.
7. Nhưng ở đây này Ananda, có hạng người có giới và như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy; ở đây, giới ấy của người ấy được trừ diệt, không có dư tàn. Vị ấy có nghe pháp, có học hỏi nhiều, và khéo thể nhập với chánh kiến, vị ấy chứng được nhất thời giải thoát. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, hướng về thù thắng, không hướng về thối đọa. Chỉ đi đến thù thắng, không đi đến thối đọa. Ở đây, này Ananda… Chỉ có Ta, này Ananda, mới có thể làm sự đo lường các hạng người. Ai có thể được như Ta?
8. Nhưng ở đây, này Ananda, có hạng người có tham rất sắc sảo, người ấy không như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy; ở đây, tham ấy của người ấy được trừ diệt, không có tàn dư. Người này không có nghe pháp, không có học hỏi nhiều, không có thể nhập với chánh kiến, không có chứng được nhất thời giải thoát. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, hướng về thối đọa, không hướng về thù thắng, chỉ đi đến thối đọa, không đi đến thù thắng.
9. Nhưng ở đây, này Ananda, có hạng người có tham rất sắc sảo, người ấy như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy, ở đây, lòng tham ấy của người ấy được trừ diệt, không có dư tàn. Người ấy nghe pháp, học hỏi nhiều, khéo thể nhập với chánh kiến, chứng được nhất thời giải thoát. Vị ấy sau khi thân họai mạng chung, hướng về thù thắng, không hướng về thối đọa, chỉ đi đến thù thắng, không đi đến thối đọa. Ở đây, này Ananda… Chỉ có Ta, này Ananda, mới có thể làm sự đo lường các hạng người. Ai có thể được như Ta?
10. Nhưng ở đây, này Ananda, có hạng người phẫn nộ, không như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy; ở đây, lòng phẫn nộ ấy của người ấy được trừ diệt trừ, không có tàn dư. Vị ấy không có nghe pháp, không có học hỏi nhiều, không có thể nhập với chánh kiến, không chứng được nhất thời giải thoát. Vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung, hướng về thối đọa, không hướng về thù thắng, chỉ đi đến thối đọa, không đi đến thù thắng.
11. Nhưng ở đây, này Ananda, có hạng người có phẫn nộ và như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy; ở đây, lòng phẫn nộ ấy của người ấy được trừ diệt, không có dư tàn. Vị ấy lại nghe pháp, học hỏi nhiều, và khéo thể nhập với chánh kiến, chứng được nhất thời giải thoát. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, hướng về thù thắng, không hướng về thối đọa, chỉ đi đến thù thắng, không đi đến thối đọa. Ở đây, này Ananda… Chỉ có Ta, này Ananda, mới có thể làm sự đo lường các hạng người. Ai có thể được như Ta?
12. Nhưng ở đây, này Ananda, có hạng người có trạo cử, nhưng không như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy; ở đây, trạo cử của người ấy được trừ diệt, không có dư tàn. Người ấy không có nghe pháp, không có học hỏi nhiều, không có thể nhập với chánh kiến, không chứng được nhất thời giải thoát. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, hướng về thối đọa, không hướng về thù thắng, chỉ đi đến thối đọa, không đi đến thù thắng.
13. Nhưng ở đây, này Ananda, có hạng người có trạo cử, và như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy; ở đây, trạo cử của người ấy được trừ diệt, không có tàn dư. Và vị này có nghe pháp, có học hỏi nhiều, khéo thể nhập với chánh kiến, chứng được nhất thời giải thoát. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, hướng về thù thắng, không hướng về thối đọa, chỉ đi đến thù thắng, không hướng về thối đọa. Ở đây, này Ananda, ai là người đo lường, đo lường như sau: “Những pháp ấy có mặt trong người này, những pháp ấy cũng có mặt trong người kia. Vì sao giữa hai người ấy, một là hạ liệt, một là thù diệu? ” Nhận xét như vậy, đem lại đau khổ lâu dài cho họ. Ở đây, này Ananda, người này là trạo cử, và như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy, chính ở đây, trạo cử của người ấy được trừ diệt, không có dư tàn. Và vị ấy có nghe pháp, có học hỏi nhiều, có khéo thể nhập với chánh kiến, chứng được nhất thời giải thoát. Này Ananda, hạng người này so sánh với hạng người trước, là vi diệu hơn, là thù thắng hơn. Vì sao? Vì dòng pháp đưa người này ra phía trước. Nhưng ai ngoài Như Lai có thể biết được sự khác biệt? Do vậy, này Ananda, chớ có làm người đo lường các hạng người. Chớ có làm sự đo lường các hạng người. Tự đào hố cho mình là người làm sự đo lường các hạng người. Chỉ có Ta, này Ananda, mới có thể làm sự đo lường các hạng người. Ai có thể được như Ta?
Nhưng này Ananda, ai là nữ cư sĩ Migasàlà lại ngu si, kém thông minh, với thân như bà mẹ, với trí như bà mẹ, để có thể hiểu biết sự thắng liệt giữa các người?
Này Ananda, có mười hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.
Giới như thế nào, này Ananda, Puràna được thành tựu, giới ấy Isidatta chưa thành tựu. Do vậy, ở đây, Puràna có sanh thú khác với sanh thú của Isidatta. Tuệ như thế nào, này Ananda, Isidatta được thành tựu, tuệ ấy Puràna chưa thành tựu. Do vậy, ở đây, Isidatta có sanh thú khác với sanh thú của Puràna. Như vậy, này Ananda, cả hai người này đều có thể thiếu sót một chi phần.
(VI) (76) Không Thể Tăng Trưởng
1. – Này các Tỷ-kheo, nếu ba pháp không có mặt ở đời, thời Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác không xuất hiện ở đời, và Pháp, Luật được Như Lai thuyết giảng không được nêu rõ ở đời. Thế nào là ba?
2. Sanh, già và chết. Này các Tỷ-kheo, nếu ba pháp này không hiện hữu ở đời, thời Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác không xuất hiện ở đời, và Pháp, Luật do Như Lai thuyết giảng không được nêu rõ ở đời. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, ba pháp này có mặt ở đời, do vậy Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện ở đời, do vậy, Pháp, Luật do Như Lai thuyết giảng được nêu rõ ở đời.
3. Này các Tỷ-kheo, không đoạn tận ba pháp thời không có thể đoạn tận sanh, thời không có thể đoạn tận già, thời không có thể đoạn tận chết. Thế nào là ba?
4. Không đoạn tận tham, không đoạn tận sân, không đoạn tận si. Do không đoạn tận ba pháp này, không có thể đoạn tận sanh, không có thể đoạn tận già, không có thể đoạn tận chết.
5. Này các Tỷ-kheo, do không đoạn tận ba pháp, thời không có thể đoạn tận tham, không có thể đoạn tận sân, không có thể đoạn tận si. Thế nào là ba?
6. Không đoạn tận thân kiến, không đoạn tận nghi, không đoạn tận giới cấm thủ. Do không đoạn tận ba pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể đoạn tận tham, không có thể đoạn tận sân, không có thể đoạn tận si.
7. Này các Tỷ-kheo, do không đoạn tận ba pháp, không có thể đoạn tận thân kiến, không có thể đoạn tận nghi, không có thể đoạn tận giới cấm thủ. Thế nào là ba?
8. Không đoạn tận phi như lý tác ý, không đoạn tận tu tập tà đạo, không đoạn tận tánh thụ động. Do không đoạn tận ba pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể đoạn tận thân kiến, không có thể đoạn tận nghi, không có thể đọan tận giới cấm thủ.
9. Này các Tỷ-kheo, do không đoạn tận ba pháp, không có thể đoạn tận phi như lý tác ý, không có thể đoạn tận tu tập tà đạo, không có thể đoạn tận tánh thụ động. Thế nào là ba?
10. Không đoạn tận vọng niệm, không đoạn tận không tỉnh giác, không đoạn tận tâm loạn động. Do không đoạn tận ba pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể đoạn tận phi như lý tác ý, không có thể đoạn tận tu tập tà đạo, không có thể đoạn tận tánh thụ động.
11. Này các Tỷ-kheo, do không đoạn tận ba pháp, không có thể đoạn tận vọng niệm, không có thể đoạn tận không tỉnh giác, không có thể đoạn tận tâm loạn động. Thế nào là ba?
12. Không đoạn tận không muốn yết kiến các bậc Thánh, không đoạn tận không muốn nghe Thánh pháp, không đoạn tận bới lông tìm vết. Do không đoạn tận ba pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể đoạn tận vọng niệm, không có thể đoạn tận không tỉnh giác, không có thể đoạn tận tâm loạn động.
13. Này các Tỷ-kheo, do không đoạn tận ba pháp, không có thể đoạn tận không muốn yết kiến các bậc Thánh, không có thể đoạn tận không muốn nghe Thánh pháp, không có thể đoạn tận bới lông tìm vết. Thế nào là ba?
14. Không đoạn tận trạo cử, không đọan tận không chế ngự, không đoạn tận ác giới. Do không đoạn tận ba pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể đoạn tận không muốn yết kiến các bậc Thánh, không có thể đoạn tận không muốn nghe Thánh pháp, không có thể đoạn tận tâm bới lông tìm vết.
15. Này các Tỷ-kheo, do không đoạn tận ba pháp, không có thể đoạn tận trạo cử, không có thể đoạn tận không chế ngự, không có thể đoạn tận ác giới. Thế nào là ba?
16. Không đoạn tận không có lòng tin, không đoạn tận xan tham, không đoạn tận biếng nhác, do không đoạn tận ba pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể đoạn tận trạo cử, không có thể đoạn tận không chế ngự, không có thể đoạn tận ác giới.
17. Này các Tỷ-kheo, do không đoạn tận ba pháp, không có thể đoạn tận không có lòng tin, không có thể đoạn tận xan tham, không có thể đoạn tận biếng nhác. Thế nào là ba?
18. Không đoạn tận không cung kính, không đoạn tận khó nói, không đoạn tận ác bằng hữu. Do không đoạn tận ba pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể đoạn tận không có lòng tin, không có thể đoạn tận xan tham, không có thể đoạn tận biếng nhác.
19. Này các Tỷ-kheo, do không đoạn tận ba pháp, không có thể đoạn tận không cung kính, không có thể đoạn tận khó nói, không có thể đoạn tận ác bằng hữu. Thế nào là ba?
20. Không đoạn tận không xấu hổ, không đoạn tận không sợ hãi, không đoạn tận phóng dật, do ba pháp này không đoạn tận, này các Tỷ-kheo, không có thể đoạn tận không cung kính, không có thể đoạn tận khó nói, không có thể đoạn tận ác bằng hữu.
21. Người này không có xấu hổ, này các Tỷ-kheo, không có sợ hãi, có phóng dật. Người ấy do phóng dật, không có thể đoạn tận không cung kính, không có thể đoạn tận khó nói, không có thể đọan tận ác bằng hữu. Người ấy do ác bằng hữu, không có thể đoạn tận không có lòng tin, không có thể đoạn tận xan tham, không có thể đoạn tận biếng nhác. Vị ấy do biếng nhác, không có thể đoạn tận trạo cử, không có thể đoạn tận không chế ngự, không có thể đoạn tận ác giới. Vị ấy do ác giới, không có thể đoạn tận không ưa yết kiến các bậc Thánh, không có thể đoạn tận không ưa nghe Thánh pháp, không có thể đoạn tận bới lông tìm vết. Vị ấy do bới lông tìm vết, không có thể đoạn tận vọng niệm, không có thể đoạn tận không có tỉnh giác, không có thể đoạn tận tâm loạn động. Vị ấy do tâm loạn động, không có thể đoạn tận phi như lý tác ý, không có thể đoạn tận tu tập tà đạo, không có thể đoạn tận tánh thụ động. Vị ấy do tánh thụ động, không có thể đoạn tận thân kiến, không có thể đoạn tận nghi, không có thể đoạn tận giới cấm thủ. Vị ấy do nghi hoặc, không có thể đoạn tận tham, không có thể đoạn tận sân, không có thể đoạn tận si. Vị ấy do không đoạn tận tham, không đoạn tận sân, không đoạn tận si, không có thể đoạn tận sanh, không có thể đoạn tận già, không có thể đoạn tận chết.
22. Do đoạn tận ba pháp, này các Tỷ-kheo, có thể đoạn tận sanh, có thể đoạn tận già, có thể đoạn tận chết. Thế nào là ba?
23. Do đoạn tận tham, do đoạn tận sân, do đoạn tận si, do đoạn tận ba pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể đoạn tận sanh, có thể đoạn tận già, có thể đoạn tận chết.
24. Này các Tỷ-kheo, do ba pháp được đoạn tận, có thể đoạn tận tham, có thể đoạn tận sân, có thể đoạn tận si. Thế nào là ba?
25. Do đoạn tận thân kiến, do đoạn tận nghi, do đoạn tận giới cấm thủ, do đoạn tận ba pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể đoạn tận tham, có thể đoạn tận sân, có thể đoạn tận si.
26. Này các Tỷ-kheo, do ba pháp được đoạn tận, có thể đoạn tận thân kiến, có thể đoạn tận nghi, có thể đoạn tận giới cấm thủ. Thế nào là ba?
27. Do đoạn tận phi như lý tác ý, do đoạn tận thực hành tà đạo, do đoạn tận tánh thụ động, do đoạn tận ba pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể đoạn tận thân kiến, có thể đoạn tận nghi, có thể đoạn tận giới cấm thủ.
28. Này các Tỷ-kheo, do đoạn tận ba pháp, có thể đoạn tận phi như lý tác ý, có thể đoạn tận thực hành tà đạo, có thể đoạn tận tánh thụ động. Thế nào là ba?
29. Do đoạn tận vọng niệm, do đoạn tận không tỉnh giác, do đoạn tận tâm loạn động, do đoạn tận ba pháp, này các Tỷ-kheo, có thể đoạn tận phi như lý tác ý, có thể đoạn tận không tỉnh giác, có thể đoạn tận tánh thụ động.
30. Này các Tỷ-kheo, do đoạn tận ba pháp, có thể đoạn tận vọng niệm, có thể đoạn tận không tỉnh giác, có thể đoạn tận tâm loạn động. Thế nào là ba?
31. Do đoạn tận không muốn yết kiến các bậc Thánh, do đoạn tận không muốn nghe Thánh pháp, do đoạn tận bới lông tìm vết, do đoạn tận ba pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể đoạn tận vọng niệm, có thể đoạn tận không tỉnh giác, có thể đoạn tận tâm loạn động.
32. Này các Tỷ-kheo, do đoạn tận ba pháp, có thể đoạn tận không muốn yết kiến các bậc Thánh, có thể đoạn tận không muốn nghe Thánh pháp, có thể đoạn tận bới lông tìm vết. Thế nào là ba?
33. Do đoạn tận trạo cử, do đoạn tận không chế ngự, do đoạn tận ác giới, do đoạn tận ba pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể đoạn tận không muốn yết kiến các bậc Thánh, có thể đoạn tận không muốn nghe Thánh pháp, có thể đoạn tận bới lông tìm vết.
34. Này các Tỷ-kheo, do đoạn tận ba pháp, có thể đoạn tận trạo cử, có thể đoạn tận không chế ngự, có thể đoạn tận ác giới. Thế nào là ba?
35. Do đoạn tận không có lòng tin, do đoạn tận xan tham, do đoạn tận biếng nhác, do đoạn tận ba pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể đoạn tận trạo cử, có thể đoạn tận không chế ngự, có thể đoạn tận ác giới.
36. Này các Tỷ-kheo, do đoạn tận ba pháp, có thể đoạn tận không có lòng tin, có thể đoạn tận xan tham, có thể đoạn tận biếng nhác. Thế nào là ba?
37. Do đoạn tận không cung kính, do đoạn tận khó nói, do đoạn tận ác bằng hữu, do đoạn tận ba pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể đoạn tận không có lòng tin, có thể đoạn tận xan tham, có thể đoạn tận biếng nhác.
38. Này các Tỷ-kheo, do đoạn tận ba pháp, có thể đoạn tận không cung kính, có thể đoạn tận khó nói, có thể đoạn tận ác bằng hữu. Thế nào là ba?
39. Do đoạn tận không xấu hổ, do đoạn tận không sợ hãi, do đoạn tận phóng dật, do đoạn tận ba pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể đoạn tận không cung kính, có thể đoạn tận khó nói, có thể đoạn tận ác bằng hữu.
40. Này các Tỷ-kheo, người này có xấu hổ, có sợ hãi, có phóng dật. Người ấy do không phóng dật, có thể đoạn tận không cung kính, có thể đoạn tận khó nói, có thể đoạn tận ác bằng hữu. Người ấy do thiện bằng hữu, có thể đoạn tận không có lòng tin, có thể đoạn tận xan tham, có thể đoạn tận biếng nhác. Người ấy do tinh cần tinh tấn, có thể đoạn tận trạo cử, có thể đoạn tận không chế ngự, có thể đoạn tận ác giới. Người ấy do giới đức, có thể đoạn tận không muốn yết kiến các bậc Thánh, có thể đoạn tận không muốn nghe Thánh pháp, có thể đoạn tận bới lông tìm vết. Người ấy do không bới lông tìm vết, có thể đoạn tận vọng niệm, có thể đoạn tận không tỉnh giác, có thể đoạn tận tâm loạn động. Người ấy do tâm không loạn động, có thể đoạn tận phi như ly tác ý, có thể đoạn tận tu tập tà đạo, có thể đoạn tận tánh thụ động. Người ấy do tánh không thụ đông, có thể đoạn tận thân kiến, có thể đoạn tận nghi, có thể đoạn tận giới cấm thủ. Người ấy do không có nghi hoặc, có thể đoạn tận tham, có thể đoạn tận sân, có thể đoạn tận si. Vị ấy do đoạn tận tham, do đoạn tận sân, do đoạn tận si, có thể đoạn tận sanh, có thể đoạn tận già, có thể đoạn tận chết.
(VII)(77) Con Quạ
1.- Này các Tỷ-kheo, con quạ thành tựu với mười tà pháp. Thế nào là mười?
2. Ngạo nghễ, hung hãn, cường dục, ăn lớn, độc ác, không từ bi, khiếp nhược, giọng chói tai, vọng niệm và cất chứa tài sản.
Này các Tỷ-khao, con quạ thành tựu với mười tà pháp này.
3. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị ác Tỷ-kheo thành tựu với mười tà pháp. Thế nào là mười?
4. Ngạo nghễ, hung hãn, cường dục, ăn lớn, độc ác, không từ bi, khiếp nhược, giọng chói tai, vọng niệm và cất chứa tài sản.
Này các Tỷ-kheo, vị ác Tỷ-kheo thành tựu với mười tà pháp này.
(VIII)(78) Ni-Kiền-Tử
1.- Này các Tỷ-kheo, các Ni-kiền tử (Niganthàputta) thành tựu với mười tà pháp. Thế nào là mười?
2. Không có lòng tin, này các Tỷ-kheo, là các Ni-kiền tử. Ác giới, này các Tỷ-kheo, là các Ni-kiền tử. Không có xấu hổ, này các Tỷ-kheo, là các Ni-kiền tử. Không có sợ hãi, này các Tỷ-kheo, là các Ni-kiền tử. Không làm bạn các bậc Chân nhân, này các Tỷ-kheo, là các Ni-kiền tử. Khen mình chê người, này các Tỷ-kheo, là các Ni-kiền tử. Chấp thủ các vấn đề hiện tại, không từ bỏ những gì đã chấp thủ, này các Tỷ-kheo, là các Ni-kiền tử. Gian xảo, này các Tỷ-kheo, là các Ni-kiền tử. Ác dục, này các Tỷ-kheo, là các Ni-kiền tử. Theo tà kiến, này các Tỷ-kheo, là các Ni-kiền tử.
Này các Tỷ-kheo, thành tựu với mười tà pháp này là các Ni-kiền tử.
(IX) (79) Những Trường Hợp Hiềm Hận.
1. – Này các Tỷ-kheo, có mười trường hợp hiềm hận. Thế nào là mười?
2. Hiềm hận được kết thành, khi nghĩ rằng: “Nó đã làm hại ta”. Hiềm hận được kết thành, khi nghĩ rằng: “Nó đang làm hại ta”. Hiềm hận được kết thành, khi nghĩ rằng: “Nó sẽ làm hại ta”. Hiềm hận được kết thành, khi nghĩ rằng: “Nó đã hại người ta yêu, người ta mến…” “Nó đang hại người ta yêu, hại người ta mến…” “Nó sẽ hại người ta yêu, người ta mến”. Hiềm hận được kết thành, khi nghĩ rằng: “Nó đã làm lợi cho người ta không yêu, người ta không mến”. Hiềm hận được kết thành, khi nghĩ rằng: ” Nó đang làm lợi cho người ta không yêu, người ta không mến”. Hiềm hận được kết thành, khi nghĩ rằng: “Nó sẽ làm lợi cho người ta không yêu, người ta không mến”. Làm cho vị ấy tức giận không có lý do.
Này các Tỷ-kheo, có mười trường hợp hiềm hận này.
(X) (80) Nhiếp Phục Hiềm Hận
1. – Này các Tỷ-kheo, có mười nhiếp phục hiềm hận này, Thế nào là mười ?
2.- Hiềm hận được nhiếp phục, khi nghĩ rằng: “Nó đã làm hại ta, nhưng lợi ích từ đâu đến khi nghĩ như vậy?” Hiềm hận được nhiếp phục, khi nghĩ rằng: “Nó đang làm hại ta, nhưng lợi ích từ đâu đến khi nghĩ như vậy?”. Hiềm hận được nhiếp phục khi nghĩ rằng: “Nó sẽ làm hại ta, nhưng lợi ích từ đâu đến khi ta nghĩ như vậy?” Hiềm hận được nhiếp phục, khi nghĩ rằng: “Nó đã làm hại người ta yêu, người ta mến …” … “Nó đang làm hại người ta yêu, người ta mến …” … “Nó sẽ làm hại người ta yêu, người ta mến, nhưng lợi ích từ đâu đến khi nghĩ như vậy?” Hiềm hận được nhiếp phục, khi nghĩ rằng: “Nó đã làm lợi cho người ta không yêu, người ta không mến…” … “Nó đang làm lợi cho người ta không yêu, người ta không mến…” … “Nó sẽ làm lợi cho người ta không yêu, người ta không mến, nhưng lợi ích từ đâu đến khi nghĩ như vậy?” Không làm cho vị ấy tức giận không có lý do.
Này các Tỷ-kheo, có mười trường hợp nhiếp phục được hiềm hận.