XII. Phẩm Ði Xuống

(I) (113) Phi Pháp

1. Phi pháp và phi mục đích này, này các Tỷ-kheo, cần phải hiểu biết; pháp và mục đích cần phải hiểu biết. Sau khi biết phi pháp và phi mục đích, sau khi biết pháp và mục đích, pháp như thế nào, mục đích như thế nào, như thế ấy, cần phải thực hành. Này các Tỷ-kheo, thế nào là phi pháp và phi mục đích?

2. Tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, tà trí, tà giải thoát.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là phi pháp và phi mục đích. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp và mục đích?

3. Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh trí, chánh giải thoát.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là pháp và mục đích.

4. Và này các Tỷ-kheo, phi pháp và phi mục đích cần phải hiểu biết; pháp và mục đích cần phải hiểu biết. Sau khi hiểu biết phi pháp và phi mục đích sau khi hiểu biết pháp và mục đích, pháp như thế nào, mục đích như thế nào, như thế ấy, cần phải thực hành. Ðược nói đến như vậy là do duyên này được nói đến.

(II) (114) Không Phải Mục Ðích

1. Phi pháp và pháp, này các Tỷ-kheo, cần phải hiểu biết, phi mục đích và mục đích cần phải hiểu biết. Sau khi biết phi pháp và pháp, sau khi biết phi mục đích và mục đích, pháp như thế nào, mục đích như thế nào, như thế ấy cần phải thực hành. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là phi pháp? Thế nào là pháp, thế nào là phi mục đích và thế nào là mục đích?

2. Tà kiến, này các Tỷ-kheo, là phi pháp; chánh kiến là pháp. Những pháp ác bất thiện nào do duyên tà kiến được sanh, đây là phi mục đích. Những pháp thiện do duyên chánh kiến đi đến đầy đủ trong tu tập, đây là mục đích. Tà tư duy, này các Tỷ-kheo, là phi pháp; chánh tư duy là pháp. Những pháp ác bất thiện nào do duyên tà tư duy được sanh, đây là phi mục đích. Những pháp thiện do duyên chánh tư duy đi đến đầy đủ trong tu tập, đây là mục đích. Tà ngữ, này các Tỷ-kheo, là phi pháp; chánh ngữ là pháp. Những pháp ác bất thiện nào do duyên tà ngữ sanh khởi, đây là phi mục đích. Những pháp thiện do duyên chánh ngữ đi đến đầy đủ trong tu tập, đây là mục đích. Tà nghiệp, này các Tỷ-kheo, là phi pháp; chánh nghiệp là pháp. Những pháp ác bất thiện nào do duyên tà nghiệp được sanh, đây là phi mục đích. Những pháp thiện do duyên chánh nghiệp đi đến đầy đủ trong tu tập, đây là mục đích. Tà mạng, này các Tỷ-kheo, là phi pháp; chánh mạng là pháp. Những pháp ác bất thiện nào do duyên tà mạng sanh khởi, đây là phi mục đích. Những pháp thiện do duyên chánh mạng đi đến đầy đủ trong tu tập, đây là mục đích. Tà tinh tấn, này các Tỷ-kheo, là phi pháp; chánh tinh tấn là pháp. Những pháp ác bất thiện nào do duyên tà tinh tấn sanh khởi, đây là phi mục đích. Những pháp thiện do duyên chánh tinh tấn đi đến đầy đủ trong tu tập, đây là mục đích. Tà niệm, này các Tỷ-kheo, là phi pháp; chánh niệm là pháp. Những pháp ác bất thiện nào do duyên tà niệm sanh khởi, đây là phi mục đích. Những pháp thiện do duyên chánh niệm đi đến đầy đủ trong tu tập, đây là mục đích. Tà định, này các Tỷ-kheo, là phi pháp; chánh định là pháp. Những pháp ác bất thiện nào do duyên tà định sanh khởi, đây là phi mục đích. Những pháp thiện do duyên chánh định đi đến đầy đủ trong tu tập, đây là mục đích. Tà trí, này các Tỷ-kheo, là phi pháp; chánh trí là pháp. Những pháp ác bất thiện nào do duyên tà trí sanh khởi, đây là phi mục đích. Những pháp thiện do duyên chánh trí đi đến đầy đủ trong tu tập, đây là mục đích. Tà giải thoát, này các Tỷ-kheo, là phi pháp; chánh giải thoát là pháp. Những pháp ác bất thiện nào do duyên tà giải thoát sanh khởi, đây là phi mục đích. Và những thiện pháp do duyên chánh giải thoát đi đến đầy đủ trong tu tập, đây là mục đích.

3. Phi pháp và pháp, này các Tỷ-kheo, cần phải hiểu biết; phi mục đích và mục đích cần phải hiểu biết. Sau khi biết phi pháp và pháp, sau khi biết phi mục đích và mục đích, pháp như thế nào, mục đích như thế nào, như thế ấy cần phải thực hành. Ðược nói như vậy, do duyên này được nói đến như vậy.

(III) (115) Phi Pháp

1. Phi pháp và pháp, này các Tỷ-kheo, cần phải hiểu biết; phi mục đích và mục đích cần phải hiểu biết. Sau khi biết phi pháp và pháp, sau khi biết phi mục đích và mục đích, pháp như thế nào, mục đích như thế nào, như thế ấy cần phải thực hành.

Thế Tôn thuyết như vậy. Thuyết như vậy xong, bậc Thiện Thệ từ chỗ ngồi đứng dậy và bước vào tinh xá.

2. Rồi các Tỷ-kheo ấy, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, suy nghĩ như sau: “Này chư Hiền, Thế Tôn đã nói lên một cách vắn tắt lời tuyên bố này, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đã đi vào tinh xá: “Phi pháp và pháp, này các Tỷ-kheo, cần phải hiểu biết, phi mục đích và mục đích cần phải hiểu biết. Sau khi biết phi pháp và pháp, sau khi biết phi mục đích và mục đích, pháp như thế nào, mục đích như thế nào, như thế ấy cần phải thực hành.” Với lời tuyên bố này được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, ai là người có thể phân tích một cách rộng rãi? ” Rồi các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ như sau: “Tôn giả Ananda được Thế Tôn tán thán, được các vị đồng Phạm hạnh có trí bắt chước. Tôn giả Ananda, với lời tuyên bố này được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, có thể phân tích một cách rộng rãi. Vậy chúng ta hãy đi đến Tôn giả Ananda, sau khi đến, sẽ hỏi Tôn giả Ananda về ý nghĩa này. Tôn giả Ananda trả lời cho chúng ta như thế nào, chúng ta sẽ như vậy thọ trì”.

3. Rồi các Tỷ-kheo ấy đi đến Tôn giả Ananda, sau khi đến nói lên với Tôn giả Ananda những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy nói với Tôn giả Ananda:

– Thưa Hiền giả Ananda. Thế Tôn sau khi nói lên một cách vắn tắt lời tuyên bố này, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đã đi vào tinh xá: “Phi pháp và pháp, này các Tỷ-kheo, cần phải hiểu biết, phi mục đích và mục đích cần phải hiểu biết. Sau khi hiểu phi pháp và pháp, sau khi biết phi mục đích và mục đích, pháp như thế nào, mục đích như thế nào, như thế ấy cần phải thực hành.” Này Hiền giả, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, chúng tôi suy nghĩ như sau: “Này chư Hiền, Thế Tôn sau khi nói lên một cách vắn tắt lời tuyên bố này, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đã đi vào tinh xá: “Phi pháp và pháp, này các Tỷ-kheo, cần phải hiểu biết, phi mục đích và mục đích cần phải hiểu biết. Sau khi biết phi pháp và pháp, sau khi biết phi mục đích và mục đích, pháp như thế nào, mục đích như thế nào, như thế ấy cần phải thực hành.” Với lời tuyên bố này được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi”, ai là người có thể phân tích một cách rộng rãi? Rồi thưa Hiền giả, chúng tôi suy nghĩ như sau: “Tôn giả Ananda được Thế Tôn tán thán, được các vị đồng Phạm hạnh có trí bắt chước. Tôn giả Ananda, với lời tuyên bố này được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, có thể phân tích một cách rộng rãi. Vậy chúng ta hãy đi đến Tôn giả Ananda, sau khi đến, sẽ hỏi Tôn giả Ananda về ý nghĩa này. Tôn giả Ananda trả lời cho chúng ta như thế nào, chúng ta sẽ như vậy thọ trì”. Thưa Tôn giả Ananda, hãy phân tích cho.

4. Chư Hiền, cũng ví như một người cần thiết lõi cây, tìm lõi cây, đi khắp mọi nơi tìm lõi cây, đến một cây to lớn, đứng thẳng và có lõi cây. Người này bỏ qua rễ, bỏ qua thân cây, nghĩ rằng: “Phải tìm lõi cây ở nơi cành lá”. Cũng vậy, là hành động của chư Tôn giả, đứng trước mặt Thế Tôn, quí vị bỏ qua Thế Tôn, nghĩ rằng: “Cần phải hỏi tôi về ý nghĩa này”. Chư Hiền, Thế Tôn biết những gì cần phải biết, thấy những gì cần phải thấy. Ngài đã trở thành vị có mắt, trở thành vị có trí, trở thành Chánh pháp, trở thành Phạm thiên, vị thuyết giả, vị diễn giả, vị đem lại mục tiêu, vị trao cho bất tử, vị Pháp chủ. Thế Tôn giải thích quý vị như thế nào, quí vị hãy như vậy thọ trì.

5. Hiền giả Ananda, chắc chắn Thế Tôn biết những gì cần phải biết, thấy những gì cần phải thấy. Ngài đã trở thành vị có mắt, trở thành vị có trí, trở thành Chánh pháp, trở thành Phạm thiên, vị thuyết giả, vị diễn giả, vị đem lại mục tiêu, vị trao cho bất tử, vị Pháp chủ, Như Lai. Chúng tôi phải tùy thời hỏi Thế Tôn ý nghĩa này. Những gì Thế Tôn giải thích cho chúng tôi, chúng tôi sẽ như vậy thọ trì. nhưng Hiền giả Ananda được Thế Tôn tán thán, được các vị đồng Phạm hạnh có trí bắt chước. Hiền giả Ananda có thể giải thích rộng rãi ý nghĩa lời giảng dạy được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt mà không có phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi. Mong Hiền giả Ananda giải thích, nếu không có sự gì phiền muộn.

6. Vậy chư Hiền, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, tôi sẽ giảng.

– Thưa vâng Hiền giả.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ananda. Tôn giả Ananda giảng như sau:

– Thưa chư Hiền, Thế Tôn sau khi nói lên lời tuyên bố một cách vắn tắt mà không có phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, đã từ chỗ ngồi đứng dậy và đi vào tinh xá: “Phi pháp và pháp, này các Tỷ-kheo, cần phải hiểu biết, phi mục đích và mục đích cần phải hiểu biết. Sau khi biết phi pháp và pháp, sau khi biết phi mục đích và mục đích, pháp như thế nào, mục đích như thế nào, như thế ấy cần phải thực hành.” Và này chư Hiền, thế nào là phi pháp, thế nào là pháp, thế nào là phi mục đích và thế nào là mục đích?

7. Tà kiến, này chư Hiền, là phi pháp; chánh kiến là pháp, những pháp ác bất thiện gì do duyên tà kiến khởi lên, đây là phi mục đích. Và những pháp thiện gì đi đến viên mãn trong tu tập, đây là mục đích. Tà tư duy, này chư Hiền, là phi pháp; chánh tư duy là pháp… Tà ngữ là phi pháp; chánh ngữ là pháp… Tà nghiệp là phi pháp; chánh nghiệp là pháp… Tà mạng là phi pháp; chánh mạng là pháp… Tà tinh tấn là phi pháp; chánh tinh tấn là pháp… Tà niệm là phi pháp; chánh niệm là pháp… Tà định là phi pháp; chánh định là pháp… Tà trí là phi pháp; chánh trí là pháp… Tà giải thoát là phi pháp; chánh giải thoát là pháp. Và những pháp ác bất thiện nào do duyên chánh giải thoát khởi lên đây là phi mục đích, và những thiện pháp do duyên chánh giải thoát đi đến viên mãn trong tu tập, đây là mục đích. Thưa các Hiền giả, Thế Tôn sau khi nói lên lời tuyên bố này một cách vắn tắt mà không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đã đi vào tinh xá: “Phi pháp và pháp, này các Tỷ-kheo, cần phải hiểu biết, phi mục đích và mục đích cần phải hiểu biết. Sau khi biết phi pháp và pháp, sau khi biết phi mục đích và mục đích, pháp như thế nào, mục đích như thế nào, như thế ấy cần phải thực hành.” Thưa các Hiền giả, lời tuyên bố vắn tắt này của Thế Tôn mà không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, tôi hiểu ý nghĩa rộng rãi như vậy. Thưa chư Hiền, nếu chư Hiền muốn, hãy đi đến Thế Tôn và hỏi ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời như thế nào, hãy như vậy thọ trì.

– Thưa vâng, Hiền giả.

Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Ananda, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

8. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn sau khi nói lên lời tuyên bố một cách vắn tắt mà không có phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậy và đi vào tinh xá: “Phi pháp và pháp, này các Tỷ-kheo, cần phải hiểu biết, phi mục đích và mục đích cần phải hiểu biết. Sau khi biết phi pháp và pháp, sau khi biết phi mục đích và mục đích, pháp như thế nào, mục đích như thế nào, như thế ấy cần phải thực hành”. Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, chúng con suy nghĩ như sau: “Này chư Hiền, Thế Tôn sau khi nói lên lời tuyên bố một cách vắn tắt mà không có phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tinh xá: “Phi pháp và pháp cần phải hiểu biết… hãy như thế ấy mà thực hành”. Với lời tuyên bố vắn tắt này của Thế Tôn, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, ai là người có thể phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi? ” Rồi bạch Thế Tôn, chúng con suy nghĩ như sau: “Tôn giả Ananda được Thế Tôn tán thán, được các vị đồng Phạm hạnh có trí bắt chước. Tôn giả Ananda với lời tuyên bố này được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, có thể phân tích một cách rộng rãi. Vậy chúng ta hãy đi đến Tôn giả Aụnanda và hỏi ý nghĩa này”. Bạch Thế Tôn, ý nghĩa của chúng được Tôn giả Ananda khéo phân tích với những lý do như thế này, với những chữ như thế này, với những chữ như thế này, với những câu văn như thế này.

9. Lành thay, lành thay, này các Tỷ-kheo, Hiền trí là Hiền giả Ananda! Ðại tuệ là Hiền giả Ananda! Này các Tỷ-kheo, nếu các Thầy đến hỏi Ta về ý nghĩa này, Ta cũng trả lời như vậy, như đã được Ananda trả lời. Ðây là ý nghĩa của lời ấy, hãy như vậy thọ trì.

(IV) (116) Ajita

1. Bấy giờ có du sĩ Ajita đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, du sĩ Ajita nói với Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi có người đồng Phạm hạnh là vị Hiền trí, vị này có nghĩ đến năm trăm tâm xứ. Với những tâm xứ ấy, các người ngoại đạo khi bị cật nạn, biết rằng: “Chúng tôi đang bị cật nạn”. Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thọ trì những căn bản địa của bậc Hiền trí không?

– Bạch Thế Tôn, nay đến thời, bạch Thiện Thệ, nay đến thời Thế Tôn thuyết. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.

– Vậy này các Tỷ-kheo, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người với lời phi pháp, bài xích, công kích lời phi pháp. Với lời ấy, vị ấy kích thích một hội chúng phi pháp đến la cao tiếng, lớn tiếng rằng: “Vị Tôn giả thật là một Hiền trí! Vị Tôn giả thật là một Hiền trí! “.

3. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có người với lời phi pháp bài xích, công kích lời đúng pháp. Với lời ấy, vị ấy kích thích một hội chúng phi pháp đến la cao tiếng, lớn tiếng rằng: “Vị Tôn giả thật là một Hiền trí! Vị Tôn giả thật là một Hiền trí! “.

4. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có người với lời phi pháp bài xích, công kích lời đúng pháp và lời phi pháp. Với lời ấy, vị ấy kích thích một hội chúng phi pháp đến la cao tiếng, lớn tiếng rằng: “Vị Tôn giả thật là một Hiền trí! Vị Tôn giả thật là một Hiền trí! “.

5. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có người với lời đúng pháp bài xích, công kích lời phi pháp. Với lời ấy, vị ấy kích thích một hội chúng phi pháp đến la cao tiếng, lớn tiếng rằng: “Vị Tôn giả thật là một Hiền trí! Vị Tôn giả thật là một Hiền trí! “.

6. Phi pháp và pháp, này các Tỷ-kheo, cần phải hiểu biết; phi mục đích và mục đích, cần phải hiểu biết; phi mục đích và mục đích, cần phải hiểu biết. Sau khi biết phi pháp và pháp, sau khi biết phi mục đích và mục đích, pháp như thế nào, mục đích như thế nào, như thế ấy, cần phải thực hành. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là phi pháp, thế nào là pháp, thế nào là phi mục đích, thế nào là mục đích?

7. Tà kiến, này các Tỷ-kheo, là phi pháp, chánh kiến là pháp, do duyên tà kiến, các pháp ác bất thiện nào khởi lên, đây là phi mục đích; do duyên chánh kiến, các pháp thiện đi đến viên mãn trong tu tập, đây là mục đích. Tà tư duy, này các Tỷ-kheo, là phi pháp, chánh tư duy là pháp… Tà ngữ, này các Tỷ-kheo, là phi pháp, chánh ngữ là pháp… Tà nghiệp, này các Tỷ-kheo, là phi pháp, chánh nghiệp là pháp… Tà mạng, này các Tỷ-kheo, là phi pháp, chánh mạng là pháp… Tà tinh tấn, này các Tỷ-kheo, là phi pháp, chánh tinh tấn là pháp… Tà niệm, này các Tỷ-kheo, là phi pháp, chánh niệm là pháp… Tà định, này các Tỷ-kheo, là phi pháp, chánh định là pháp… Tà trí, này các Tỷ-kheo, là phi pháp, chánh trí là pháp… Tà giải thoát, này các Tỷ-kheo, là phi pháp, chánh giải thoát là pháp. Do duyên tà giải thoát, các pháp ác bất thiện nào khởi lên, đây là phi mục đích. Do duyên chánh giải thoát, các pháp thiện đi đến viên mãn trong tu tập, đây là mục đích.

Phi pháp và pháp, này các Tỷ-kheo, cần phải hiểu biết. Phi mục đích và mục đích, cần phải hiểu biết. Sau khi biết phi pháp và pháp, sau khi biết phi mục đích và mục đích, pháp như thế nào, mục đích như thế nào, như thế ấy, cần phải thực hành. Ðược nói đến như vậy, do duyên này được nói đến như vậy.

(V) (117) Sangàrava

1. Bấy giờ có Bà-la-môn Sangàrava đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Sangàrava bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, thế nào là bờ bên này? Thế nào là bờ bên kia?

2. Tà kiến, này Bà-la-môn, là bờ bên này, chánh kiến là bờ bên kia. Tà tư duy là bờ bên này, chánh tư duy là bờ bên kia. Tà ngữ… chánh ngữ… Tà nghiệp… chánh nghiệp… Tà mạng… chánh mạng… Tà tinh tấn… chánh tinh tấn… Tà niệm… chánh niệm… Tà định… chánh định… Tà trí… chánh trí… Tà giải thoát, này Bà-la-môn, là bờ bên này, chánh giải thoát là bờ bên kia.

Này Bà-la-môn, đây là bờ bên này, đây là bờ bên kia:

Ít người giữa nhân loại,
Ðến được bờ bên kia,
Còn số người còn lại,
Xuôi ngược chạy bờ này.
Những ai hành trì pháp,
Theo Chánh pháp khéo dạy,
Sẽ đến bờ bên kia,
Vượt ma giới khó thoát.
Kẻ trí bỏ pháp đen,
Tu tập theo pháp trắng,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Sống viễn ly khổ lạc.
Hãy cầu vui Niết-bàn,
Bỏ dục, không chướng ngại,
Kẻ trí tự rửa sạch,
Cấu uế từ nội tâm.
Những ai với chánh tâm,
Khéo tu tập giác chi,
Từ bỏ mọi ái nhiễm
Hoan hỷ không chấp thủ,
Không lậu hoặc, sáng chói,
Sống tịch tịnh ở đời.

(VI) (118) Bờ Bên Này Và Bờ Bên Kia

– Và này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng bờ bên này và bờ bên kia. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:

2. Này các Tỷ-kheo, thế nào là bờ bên này, và thế nào là bờ bên kia?

Tà kiến, này các Tỷ-kheo, là bờ bên này, chánh kiến là bờ bên kia… Tà giải thoát là bờ bên này, chánh giải thoát là bờ bên kia. Này các Tỷ-kheo, đây là bờ bên này, đây là bờ bên kia.

Ít người giữa nhân loại,
Ðến được bờ bên kia,
Còn số người còn lại,
Xuôi ngược chạy bờ này.
Những ai hành trì pháp,
Theo Chánh pháp khéo dạy,
Sẽ đến bờ bên kia,
Vượt ma giới khó thoát.
Kẻ trí bỏ pháp đen,
Tu tập theo pháp trắng,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Sống viễn ly khổ lạc.
Hãy cầu vui Niết-bàn,
Bỏ dục, không chướng ngại,
Kẻ trí tự rửa sạch,
Cấu uế từ nội tâm.
Những ai với chánh tâm,
Khéo tu tập giác chi,
Từ bỏ mọi ái nhiễm
Hoan hỷ không chấp thủ,
Không lậu hoặc, sáng chói,
Sống tịch tịnh ở đời.

(VII) (119) Sự Xuất Ly của Bậc Thánh (1)

1. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Jànussoni, nhân ngày trai giới Uposatha, sau khi gội đầu và mặc đôi áo lụa mới, tay cầm nắm cỏ kusa ướt, đứng không xa Thế Tôn bao nhiêu. Thế Tôn thấy Bà-la-môn Jànussoni, nhân ngày trai giới Uposatha, sau khi gội đầu và mặc đôi áo lụa mới, tay cầm nắm cỏ kusa ướt, đứng một bên không xa bao nhiêu, thấy vậy liền nói với Bà-la-môn Jànussoni:

– Này Bà-la-môn, nhân ngày trai giới Uposatha, Ông gội đầu, mặc đôi áo lụa mới, tay cầm nắm cỏ kusa ướt, đứng một bên để làm gì? Có phải hôm nay là ngày của gia đình Bà-la-môn?

– Thưa Tôn giả Gotama, hôm nay là ngày xuất ly của gia đình Bà-la-môn.

– Này Bà-la-môn, như thế nào là ngày xuất ly của các Bà-la-môn?

– Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn nhân ngày trai giới Uposatha gội đầu, mặc đôi áo lụa mới, thoa sàn nhà với phân bò ướt, trải với cỏ kusa xanh, và nằm xuống giữa đống cát và nhà lửa. Ðêm ấy họ dậy ba lần, chắp tay đảnh lễ ngọn lửa và nói: “Chúng tôi đi xuống đến Tôn giả”. Rồi họ đốt lửa với nhiều thục tô, và sanh tô, và sau khi đêm ấy đã qua, họ cúng dường các Bà-la-môn với các món ăn thù diệu, loại cứng và loại mềm. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, là lễ đi xuống của các Bà-la-môn.

– Sai khác, này Bà-la-môn, là lễ đi xuống của các Bà-la-môn. Sai khác là sự xuất ly trong Luật bậc Thánh.

– Như thế nào, thưa Tôn giả Gotama, là sự xuất ly trong Luật bậc Thánh? Lành thay, nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp cho chúng tôi thế nào là trong Luật của bậc Thánh!

– Này Bà-la-môn, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.

– Thưa vâng, Tôn giả.

Bà-la-môn Jànussoni vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:

2. Ở đây, này Bà-la-môn, vị Thánh đệ tử suy xét như sau: “Tà kiến đưa đến ác quả dị thục ngay trong hiện tại và trong tương lai”. Sau khi suy xét như vậy, vị ấy từ bỏ tà kiến, ra khỏi tà kiến… Tà tư duy đưa đến ác quả dị thục ngay trong hiện tại và trong tương lai… Tà ngữ đưa đến ác quả dị thục ngay trong hiện tại và trong tương lai… Tà nghiệp đưa đến ác quả dị thục ngay trong hiện tại và trong tương lai… Tà mạng đưa đến ác quả dị thục ngay trong hiện tại và trong tương lai… Tà tinh tấn đưa đến ác quả dị thục ngay trong hiện tại và trong tương lai… Tà niệm… Tà định… Tà trí… Tà giải thoát đưa đến ác quả dị thục ngay trong hiện tại và trong tương lai”. Sau khi suy xét như vậy, vị ấy từ bỏ tà giải thoát, ra khỏi tà giải thoát. Như vậy, này Bà-la-môn, là sự xuất ly trong Luật của bậc Thánh.

3. Sai khác, thưa Tôn giả Gotama, là lễ đi xuống của các Bà-la-môn. Sai khác là sự xuất ly trong Luật của bậc Thánh. Thưa Tôn giả Gotama, sự xuất ly của các Bà-la-môn không bằng giá trị của phần mười sáu, so với sự xuất ly trong Luật bậc Thánh. Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! … Mong Tôn giả Gotama bắt đầu từ nay nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung con xin quy ngưỡng.

(VIII) (120) Sự Xuất Ly Của Bậc Thánh (2)

1. Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Thầy về sự xuất ly của bậc Thánh. Hãy nghe… và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự xuất ly của bậc Thánh?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy xét như sau: ‘Tà kiến đưa đến ác quả dị thục trong hiện tại và trong tương lai”. Sau khi suy xét như vậy, vị ấy từ bỏ tà kiến, ra khỏi tà kiến… Tà tư duy… Tà ngữ… Tà nghiệp… Tà mạng… Tà tinh tấn… Tà niệm… Tà định… Tà trí… Tà giải thoát, đưa đến ác quả dị thục trong đời này và trong tương lai”. Sau khi suy xét như vậy, vị ấy từ bỏ tà giải thoát, ra khỏi tà giải thoát.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sự xuất ly của bậc Thánh.

(IX) (121) Ðiềm Báo Trước

1. Khi mặt trời mọc, này các Tỷ-kheo, cái này là đi trước, cái này là tướng báo trước, tức là rạng đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với các thiện pháp, cái này là đi trước, cái này là tướng trước, tức là chánh tri kiến.

2. Từ chánh tri kiến, này các Tỷ-kheo, có chánh tư duy. Từ chánh tư duy, có chánh ngữ. Từ chánh ngữ, có chánh nghiệp. Từ chánh nghiệp, có chánh mạng. Từ chánh mạng, có chánh tinh tấn. Từ chánh tinh tấn, có chánh niệm. Từ chánh niệm, có chánh định. Từ chánh định, có chánh trí. Từ chánh trí, có chánh giải thoát.

(X) (122) Các Lậu Hoặc

1. Có mười pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến các lậu hoặc được đoạn diệt. Thế nào là mười?

2. Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh trí, chánh giải thoát.

Mười pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến các lậu hoặc được đoạn diệt.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang