VI. Ðại Phẩm

(I) (55) Sona

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn trú tại Ràjagaha (Vương Xá) núi Gijjhakùta (Linh Thứu). Lúc bấy giờ Tôn giả Sona trú ở Ràjagaha, tại rừng Sìta. Rồi Tôn giả Sona, trong khi độc cư Thiền tịnh, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Những ai là đệ tử Thế Tôn, sống tinh cần tinh tấn, ta là một trong những vị ấy. Nhưng ta còn chấp thủ, tâm chưa giải thoát khỏi các lậu hoặc. Gia đình ta có tài sản, và ta có thể hưởng thọ tài sản và làm điều công đức. Vậy ta hãy từ bỏ học pháp, hoàn tục, thọ hưởng tài sản và làm các công đức”. Rồi Thế Tôn với tâm của mình biết được tâm của Tôn giả Sona, như một người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại hay co lại cánh tay đang duỗi ra, biến mất từ núi Gijjhakùta, hiện ra trước mặt Tôn giả Sona, ở rừng Sìta. Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Tôn giả Sona đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Sona đang ngồi một bên:

– Này Sona, có phải trong khi thầy độc cư Thiền tịnh, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Những ai là đệ tử Thế Tôn, sống tinh cần tinh tấn, ta là một trong những vị ấy. Nhưng ta còn chấp thủ, tâm chưa giải thoát các lậu hoặc. Gia đình ta có tài sản, ta có thể hưởng thọ tài sản ấy và làm các công đức. Vậy ta hãy từ bỏ học pháp, hoàn tục, thọ hưởng tài sản và làm các công đức”?

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

– Thầy nghĩ thế nào, này Sona? Có phải thuở trước, khi còn là gia chủ, Thầy giỏi đánh đàn tỳ-bà có dây?

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

– Thầy nghĩ thế nào, này Sona? Khi những sợi dây đàn tỳ-bà của Thầy quá căng thẳng, trong khi ấy, đàn tỳ-bà của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Thầy nghĩ thế nào, này Sona? Khi những sợi dây đàn tỳ-bà của Thầy quá trùng, trong khi ấy, đàn tỳ-bà của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Nhưng này Sona? Khi những sợi dây đàn tỳ-bà của Thầy không quá căng thẳng, không quá trùng xuống, nhưng vặn đúng mức trung bình, trong khi ấy, đàn tỳ-bà của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?

– Thưa được, bạch Thế Tôn.

– Cũng vậy, này Sona, khi tinh cần tinh tấn quá căng thẳng, thời đưa đến dao động; khi tinh cần tinh tấn quá thụ động, thời đưa đến biếng nhác. Do vậy, này Sona, Thầy phải an trú tinh tấn một cách bình đẳng, thể nhập các căn một cách bình đẳng, rồi tại đấy nắm giữ tướng.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Sona vâng đáp Thế Tôn. Rồi Thế Tôn sau khi giáo giới Tôn giả Sona với lời giáo giới, như một nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra, cũng vậy, Thế Tôn biến mất tại rừng Sìta và hiện ra ở núi Gijjhakùta.

2. Rồi Tôn giả Sona, sau một thời gian an trú tinh tấn một cách bình đẳng, thể nhập các căn một cách bình đẳng và tại đấy nắm giữ tướng. Rồi Tôn giả Sona sống độc cư, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu, do mục đích gì các thiện nam tử chơn chánh xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình, vị ấy ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ và chứng đạt vô thượng cứu cánh Phạm hạnh. Vị ấy rõ biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”. Tôn giả Sona trở thành một vị A-la-hán. Sau khi chứng được A-la-hán, Tôn giả Sona suy nghĩ như sau: “Ta hãy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, ta sẽ nói lên ý nghĩa này với Thế Tôn”. Rồi Tôn giả Sona đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sona bạch Thế Tôn:

3. – Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, Phạm hạnh đã thành, đã làm những việc cần làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã trừ diệt, đã được giải thoát nhờ chánh trí; vị ấy có sáu chỗ để xu hướng, xu hướng xuất ly, xu hướng viễn ly, xu hướng vô sân, xu hướng ái diệt, xu hướng thủ diệt, xu hướng vô si.

4. Bạch Thế Tôn, có thể ở đây, một số Tôn giả suy nghĩ như sau: “Có Tôn giả này hoàn toàn chỉ y cứ trên tín, có xu hướng xuất ly”. Vị Tôn giả ấy chớ có quan điểm như vậy! Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, bạch Thế Tôn, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn thấy trong mình còn cái gì cần làm, hay còn cái gì cần phải làm thêm; do đoạn diệt tham ái, do viễn ly tham ái, vị ấy hướng tâm đến xu hướng xuất ly; do đoạn diệt sân, do viễn ly sân, vị ấy hướng tâm đến xu hướng xuất ly; do đoạn diệt si, do viễn ly si, vị ấy hướng tâm đến xu hướng xuất ly.

5. Bạch Thế Tôn, có thể ở đây một số Tôn giả suy nghĩ như sau: “Tôn giả này do tham muốn lợi dưỡng, cung kính, danh tiếng nên hướng tâm về xu hướng viễn ly”. Tôn giả ấy chớ có quan niệm như vậy! Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu Phạm hạnh, đã làm những việc phải làm, không còn thấy trong mình còn cái gì cần làm hay còn cái gì cần phải làm thêm; do đoạn diệt tham ái, do viễn ly tham ái, vị ấy hướng tâm đến xu hướng viễn ly; do đoạn diệt sân, do viễn ly sân, vị ấy hướng tâm đến xu hướng viễn ly; do đoạn diệt si, do viễn ly si, vị ấy hướng tâm đến xu hướng viễn ly.

6-9. Bạch Thế Tôn, có thể đây một số Tôn giả suy nghĩ như sau: “Do đi ngược trở lại tối thắng giới cấm thủ, Tôn giả này hướng tâm đến xu hướng vô sân”. Tôn giả ấy chớ có quan điểm như vậy! Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu Phạm hạnh, đã làm những việc phải làm, không còn thấy trong mình còn cái gì cần phải làm hay còn cái gì cần phải làm thêm; do đoạn diệt tham ái, do viễn ly tham ái, vị ấy hướng tâm đến xu hướng vô sân; do đoạn diệt sân, do viễn ly sân, vị ấy hướng tâm đến xu hướng vô sân; do đoạn diệt si, do viễn ly si, vị ấy hướng tâm đến xu hướng vô sân… Do đoạn diệt tham ái, do viễn ly tham ái, vị ấy hướng tâm đến xu hướng ái diệt; do đoạn diệt sân, do viễn ly sân, vị ấy hướng tâm đến xu hướng ái diệt; do đoạn diệt si, do viễn ly si, vị ấy hướng tâm đến xu hướng ái diệt… Do đoạn diệt tham ái, do viễn ly tham ái, vị ấy hướng tâm đến xu hướng thủ diệt; do đoạn diệt sân, do viễn ly sân, vị ấy hướng tâm đến xu hướng thủ diệt; do đoạn diệt si, do viễn ly si, vị ấy hướng tâm đến xu hướng thủ diệt. Do đoạn diệt tham ái, do viễn ly tham ái, vị ấy hướng tâm đến xu hướng vô si; do đoạn diệt sân, do viễn ly sân, vị ấy hướng tâm đến xu hướng vô si; do đoạn diệt si, do viễn ly si, vị ấy hướng tâm đến xu hướng vô si.

10. Như vậy, với Tỷ-kheo có tâm chơn chánh giải thoát, bạch Thế Tôn, nếu nhiều sắc do mắt nhận thức đi vào trong giới vức của mắt, chúng không chinh phục tâm vị ấy, và tâm vị ấy không lộn xộn, an trú, đạt được không dao động, quán thấy tánh diệt của chúng. Nếu nhiều tiếng do tai nhận thức… nếu nhiều hương do mũi nhận thức… nếu nhiều vị do lưỡi nhận thức… nếu nhiều xúc do thân nhận thức… nếu nhiều pháp do ý nhận thức đi vào trong giới vực của ý, chúng không chinh phục tâm của vị ấy, và tâm vị ấy không lộn xộn, an trú, đạt được không dao động, quán thấy tánh diệt của chúng.

11. Ví như, bạch Thế Tôn, một hòn núi đá, không có rạn nứt, không có trống bọng, một tảng đá lớn, nếu từ phương Ðông mưa to gió lớn đến, không có làm rung động, rung chuyển, chuyển động mạnh núi đá ấy. Nếu từ phương Tây mưa to gió lớn đến… nếu từ phương Bắc mưa to gió lớn đến…. nếu từ phương Nam mưa to gió lớn đến không có làm rung động, rung chuyển, chuyển động mạnh núi đá ấy.

Cũng vậy, bạch Thế Tôn, với Tỷ-kheo có tâm chơn chánh giải thoát, nếu nhiều sắc do mắt nhận thức đi vào trong giới vức của mắt, chúng không chinh phục tâm vị ấy, và tâm vị ấy không lộn xộn, an trú, đạt được không dao động, quán thấy tánh diệt của chúng. Nếu nhiều tiếng do tai nhận thức… nếu nhiều hương do mũi nhận thức… nếu nhiều vị do lưỡi nhận thức… nếu nhiều xúc do thân nhận thức, nếu nhiều pháp do ý nhận thức đi vào trong giới vực của ý, chúng không chinh phục tâm vị ấy, và tâm vị ấy không lộn xộn, an trú, đạt được không dao động, quán thấy tánh diệt của chúng.

Với ai hướng xuất ly,
Tâm xu hướng viễn ly,
Với ai hướng vô sân,
Tâm xu hướng thủ diệt,
Với ai hướng ái diệt,
Tâm xu hướng vô si,
Có thấy xứ sanh khởi,
Tâm được chánh giải thoát.
Với vị chánh giải thoát,
Vị Tỷ-kheo tâm tịnh,
Không cần làm thêm gì,
Không có gì phải làm.
Như hòn núi đá tảng,
Gió không thể dao động,
Cũng vậy, toàn thể sắc,
Vị, tiếng, và hương, xúc,
Cho đến tất cả pháp,
Khả ái, không khả ái,
Không có thể dao động,
Một vị được như vậy,
Tâm kiên trú, giải thoát,
Thấy tánh diệt của chúng.

(II) (56) Phagguna

1. Lúc bấy giờ, Tôn giả Phagguna bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Tôn giả Phagguna bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Lành thay, bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn đi đến Tôn giả Phagguna, vì lòng từ mẫn.

Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Phagguna. Tôn giả Phagguna thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy vậy, muốn rời khỏi giường. Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Phagguna:

– Thôi được rồi, Phagguna! Thầy chớ có rời khỏi giường. Ðã có những chỗ ngồi đã soạn từ trước, Ta sẽ ngồi tại các chỗ ấy.

Rồi Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn giả Phagguna:

– Này Phagguna, mong rằng Thầy có thể kham nhẫn! Mong rằng Thầy có thể chịu đựng! Mong rằng các khổ thọ được giảm thiểu, không tăng trưởng! Mong rằng triệu chứng giảm thiểu được thấy rõ, không tăng trưởng!

– Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn. Con không có thể chịu đựng. Khổ thọ của con tăng trưởng, không có giảm thiểu. Triệu chứng tăng trưởng được thấy rõ, không có giảm thiểu! Bạch Thế Tôn, ví như một người lực sĩ chém đầu (một người khác) với một thanh kiếm sắc bén; cũng vậy, bạch Thế Tôn, những ngọn gió kinh khủng thổi lên, đau nhói trong đầu con. Bạch Thế Tôn, con không thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Khổ thọ của con gia tăng, không có giảm thiểu, triệu chứng gia tăng được thấy rõ, không có giảm thiểu. Bạch Thế Tôn, như một người lực sĩ lấy một dây nịt bằng da cứng quấn tròn quanh đầu rồi siết chặt; cũng vậy, bạch Thế Tôn, con cảm thấy đau đầu một cách kinh khủng. Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng, khổ thọ của con gia tăng, không có giảm thiểu. Triệu chứng gia tăng được thấy rõ, không có giảm thiểu. Bạch Thế Tôn, như một người đồ tể thiện xảo hay đệ tử người đồ tể cắt ngang bụng với một con dao cắt thịt bò sắc bén; cũng vậy, bạch Thế Tôn, một ngọn gió kinh khủng cắt ngang bụng của con. Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Những khổ thọ của con gia tăng, không có giảm thiểu, triệu chứng gia tăng được thấy rõ, không có giảm thiểu. Bạch Thế Tôn, ví như hai người lực sĩ, sau khi nắm cánh tay của một người yếu hơn, nướng người ấy, đốt người ấy trên một hố than hừng; cũng vậy, bạch Thế Tôn, một sức nóng kinh khủng khởi lên trong thân của con. Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Những khổ thọ của con gia tăng, không có giảm thiểu, triệu chứng gia tăng được thấy rõ, không có giảm thiểu.

Rồi Thế Tôn, với pháp thoại, nói lên cho Tôn giả Phagguna biết, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỉ, từ chỗ ngồi, đứng dậy và ra đi.

2. Rồi Tôn giả Phagguna, sau khi Thế Tôn ra đi không bao lâu, liền mệnh chung. Trong khi Tôn giả lâm chung, các căn được sáng chói. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Tôn giả Phagguna, sau khi Thế Tôn ra đi không bao lâu, đã mệnh chung. Trong khi Tôn giả mệnh chung, các căn được sáng chói.

– Này Ananda, tại sao các căn của Tôn giả Phagguna lại không sáng chói chứ? Này Ananda, với Tỷ-kheo Phagguna, tâm chưa được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử. Sau khi nghe pháp, tâm vị ấy được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử. Có sáu lợi ích này, này Ananda, nếu nghe pháp đúng thời, và thẩm sát ý nghĩa đúng thời. Thế nào là sáu?

3. Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo tâm chưa được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử, vị ấy trong khi mạng chung, được thấy Thế Tôn. Thế Tôn thuyết pháp cho vị ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh. Sau khi nghe thuyết pháp, tâm vị ấy được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử. Ðây là lợi ích thứ nhất, này Ananda, khi được nghe pháp đúng thời.

4. Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo với tâm chưa được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử, vị ấy trong khi mệnh chung, không được thấy Thế Tôn, nhưng chỉ được thấy đệ tử Như Lai. Ðệ tử Như Lai thuyết pháp cho vị ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh. Sau khi nghe thuyết pháp, tâm vị ấy được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử. Này Ananda, đây là lợi ích thứ hai khi được nghe pháp đúng thời.

5. Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo với tâm chưa được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử, vị ấy trong khi mệnh chung, không được thấy Như Lai, cũng không được thấy đệ tử của Như Lai. Nhưng với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học một cách thông suốt; do vị ấy, với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học một cách thông suốt, nên tâm được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử. Này Ananda, đây là lợi ích thứ ba khi thẩm sát ý nghĩa đúng thời.

6. Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo với tâm đã được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử, nhưng tâm chưa giải thoát đối với vô thượng đoạn diệt sanh y, vị ấy trong khi mệnh chung được thấy Như Lai. Và Như Lai thuyết pháp cho vị ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Sau khi được nghe thuyết pháp, tâm vị ấy được giải thoát đối với vô thượng đoạn diệt sanh y. Này Ananda, đây là lợi ích thứ tư khi được nghe pháp đúng thời.

7. Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo với tâm đã được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử, nhưng tâm chưa giải thoát đối với vô thượng đoạn diệt sanh y, vị ấy trong khi mạng chung không được thấy Như Lai, chỉ được thấy đệ tử của Như Lai. Ðệ tử Như Lai thuyết pháp cho vị ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Sau khi được nghe thuyết pháp, tâm vị ấy được giải thoát đối với vô thượng đoạn diệt sanh y. Này Ananda, đây là lợi ích thứ năm khi được nghe pháp đúng thời.

8. Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo với tâm được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử, nhưng tâm chưa giải thoát đối với vô thượng đoạn diệt sanh y, vị ấy trong khi mệnh chung không được thấy Như Lai, cũng không được thấy đệ tử Như Lai. Nhưng với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được học thông suốt, do vị ấy với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học thông suốt, nên tâm được giải thoát đối với vô thượng đoạn diệt sanh y này. Này Ananda, đây là lợi ích thứ sáu khi được thẩm sát ý nghĩa đúng thời.

Có sáu lợi ích này, này Ananda, khi được nghe pháp đúng thời, và khi được thẩm sát ý nghĩa đúng thời.

(III) (57) Sáu Sanh Loại

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Ràijagaha (Vương Xá), tại núi Gijjhakùta (Linh Thứu). Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

2. – Bạch Thế Tôn, Tôn giả Pùrana Kassapa trình bày sáu sanh loại: sanh loại đen, sanh loại xanh, sanh loại đỏ, sanh loại vàng, sanh loại trắng, sanh loại hết sức trắng. Ở đây, bạch Thế Tôn, đây là loại sanh đen do Pùrana Kassapa trình bày: “Kẻ giết cừu, kẻ giết heo, kẻ giết chim, kẻ săn thú, kẻ hung bạo, người đánh cá, kẻ ăn trộm, kẻ ăn trộm giết người, kẻ ngục tốt và những người khác theo nghề tàn ác”. Ở đây, bạch Thế Tôn, đây là các sanh loại xanh do Pùrana Kassapa trình bày: “Các Tỷ-kheo sống như cỏ gai đâm bên hông, và tất cả những ai khác chủ trương nghiệp nhân luận, nghiệp quả luận”. Ở đây, bạch Thế Tôn, đây là các sanh loại đỏ do Pùrana Kassapa trình bày: “Các Ni-kiền-tử và những kẻ mặc một tấm vải”. Ở đây, bạch Thế Tôn, là các sanh loại vàng do Pùrana Kassapa trình bày: “Các gia chủ và đệ tử những người ở trần truồng”. Ở đây, bạch Thế Tôn, đây là các sanh loại trắng do Pùrana Kassapa trình bày: “Các tà mạng ngoại đạo và đệ tử của họ”. Ở đây, bạch Thế Tôn, đây là các sanh loại hết sức trắng do Pùrana Kassapa trình bày: “Nanda Vaccha, Kisa Sankicca và Makkhali Gosàla”. Bạch Thế Tôn, sáu sanh loại này do Pùrana Kassapa trình bày.

3. – Này Ananda, có phải toàn thế giới đều đồng ý chấp nhận sự trình bày thành sáu sanh loại này của Pùrana Kassapa không?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Ví như này Ananda, một người nghèo khổ, không có sở hữu, sống túng thiếu, dầu miễn cưỡng, không muốn, người ta quăng cho người ấy một miếng thịt và nói: “Hãy ăn miếng thịt này, này Người kia, và trả tiền luôn”. Cũng vậy, này Ananda là lời tuyên bố của Pùrana Kassapa về sáu sanh loại này cho những Sa-môn, Bà-la-môn ấy, không được họ đồng ý, như bởi một kẻ ngu si, không thông minh, không biết thích ứng, bất thiện. Này Ananda, Ta tuyên bố có sáu sanh loại, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói:

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

– Này Ananda, thế nào là sáu sanh loại?

4. Ở đây, này Ananda, có một số sanh loại đen, sanh ra các pháp đen. Nhưng ở đây, này Ananda, có một số sanh loại đen sanh ra pháp trắng. Ở đây, này Ananda, có một số sanh loại đen sanh ra Niết-bàn, không đen không trắng. Ở đây, này Ananda, có một số sanh loại trắng sanh ra pháp đen. Ở đây, này Ananda, có một số sanh loại trắng sanh ra pháp trắng. Ở đây, này Ananda, có một số sanh loại trắng sanh ra Niết-bàn, không đen không trắng. Và này, Ananda, thế nào là một số sanh loại đen sanh ra pháp đen?

5. Ở đây, này Ananda, có một số người sanh ra trong gia đình thấp kém, gia đình người đổ phân hay gia đình người thợ săn, hay gia đình người đan tre, hay gia đình người đóng xe, hay gia đình người quét rác, hay trong gia đình một người nghèo khổ, khó tìm được đồ ăn uống để sống, khó tìm cho được đồ ăn đồ mặc. Và người ấy xấu xí, khó nhìn, lùn thấp, nhiều bệnh hoạn, đui một mắt, tàn tật, còm, què, hay đi khấp khểnh, không có được đồ ăn, đồ uống, đồ mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, chỗ nằm, chỗ ở và đèn. Người ấy làm ác hạnh về thân, làm ác hạnh về lời, làm ác hạnh về ý. Người ấy do làm ác hạnh về thân, về lời, về ý, sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Như vậy, này Ananda, là hạng sanh loại đen sanh ra pháp đen. Và này Ananda, thế nào là hạng sanh loại đen sanh ra pháp trắng?

6. Ở đây, này Ananda, có hạng người sanh ra trong gia đình thấp kém… chỗ nằm, chỗ ở và đèn. Người ấy làm thiện hạnh về thân, làm thiện hạnh về lời, làm thiện hạnh về ý. Người ấy do làm thiện hạnh về thân, về lời, về ý, sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi lành, Thiên giới, thế giới này. Như vậy, này Ananda, là hạng sanh loại đen sanh ra pháp trắng. Và này Ananda, thế nào là hạng sanh loại đen sanh ra Niết-bàn, không đen không trắng?

7. Ở đây, này Ananda, có hạng người sanh ra trong gia đình thấp kém… và người ấy xấu xí, khó nhìn, lùn thấp. Người ấy, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy xuất gia như vậy, sau khi đoạn tận năm triền cái, làm cho muội lược các kiết sử về tâm với trí tuệ, trú tâm trên Bốn niệm xứ, như thật tu tập Bảy giác chi, sanh ra Niết-bàn, không đen không trắng. Như vậy, này Ananda là hạng sanh loại đen sanh ra Niết-bàn, không đen không trắng. Và này Ananda, thế nào là sanh loại trắng sanh ra pháp đen?

8. Ở đây, này Ananda, có hạng người sanh ra trong gia đình cao quý, trong gia đình Sát-đế-lỵ đại phú, hay trong gia đình Bà-la-môn đại phú, hay trong gia đình gia chủ đại phú, phú hào, có tiền của lớn, tài sản lớn, có nhiều vàng bạc, có nhiều tài sản, vật dụng, nhiều tiền của, ngũ cốc. Người ấy lại đẹp trai, dễ nhìn, dễ thương, với màu da tuyệt đẹp, mỹ miều. Người ấy lại được ăn đồ ăn, đồ uống, áo mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, chỗ nằm, chỗ trú, đèn đuốc. Người ấy làm ác hạnh về thân, làm ác hạnh về lời, làm ác hạnh về ý. Người ấy do làm ác hạnh về thân, do làm ác hạnh về lời, do làm ác hạnh về ý, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đạo xứ, địa ngục. Như vậy, này Ananda, là hạng sanh loại trắng sanh ra pháp đen. Và này Ananda, thế nào là hạng sanh loại trắng sanh ra pháp trắng?

9. Ở đây, này Ananda, có hạng người sanh ra trong gia đình cao quý, trong gia đình Sát-đế-lỵ đại phú… chỗ trú, đèn đuốc. Người ấy làm thiện hạnh về thân, làm thiện hạnh về lời, làm thiện hạnh về ý. Người ấy do làm thiện hạnh về thân, do làm thiện hạnh về lời, do làm thiện hạnh về ý, sau khi thân hoại mạng chung, sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Như vậy, này Ananda, là hạng sanh loại trắng sanh ra pháp trắng. Và này Ananda, thế nào là hạng sanh loại trắng sanh ra Niết-bàn, không đen không trắng?

10. Ở đây, này Ananda, có hạng người sanh ra trong gia đình cao quý, trong gia đình Sát-đế-lỵ đại phú… chỗ trú, đèn đuốc. Vị ấy, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy xuất gia như vậy, sau khi đoạn tận năm triền cái, làm cho muội lược các kiết sử về tâm với trí tuệ, trú tâm trên Bốn niệm xứ, như thật tu tập Bảy giác chi, sanh ra Niết-bàn, không đen không trắng. Như vậy, này Ananda là hạng sanh loại trắng sanh ra Niết-bàn, không đen không trắng.

Này Ananda, đây là sáu sanh loại.

(IV) (58) Các Lậu Hoặc

1. – Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Thế nào là sáu?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các lậu hoặc phải do phòng hộ mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ do phòng hộ; đối với các lậu hoặc phải do thọ dụng mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ do thọ dụng; đối với các lậu hoặc phải do kham nhẫn mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ do kham nhẫn; đối với các lậu hoặc phải do tránh né mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ do tránh né; đối với các lậu hoặc phải do trừ diệt mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ do trừ diệt; đối với các lậu hoặc phải do tu tập mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ do tu tập. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do phòng hộ mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ do phòng hộ?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chơn chánh giác sát, sống phòng hộ với sự phòng hộ nhãn căn. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy sống không phòng hộ với sự phòng hộ nhãn căn, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy sống phòng hộ với sự phòng hộ nhãn căn, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Vị chơn chánh giác sát, sống phòng hộ với sự phòng hộ nhĩ căn… sống phòng hộ với sự phòng hộ tỷ căn… sống phòng hộ với sự phòng hộ thiệt căn… sống phòng hộ với sự phòng hộ thân căn… sống phòng hộ với sự phòng hộ ý căn. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy sống không phòng hộ với sự phòng hộ ý căn, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy sống phòng hộ với sự phòng hộ ý căn, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, nếu sống không phòng hộ với sự phòng hộ các căn, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu sống phòng hộ với sự phòng hộ các căn, như vậy các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không có thể khởi lên.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các lậu hoặc phải do phòng hộ mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ nhờ phòng hộ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do thọ dụng mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ nhờ thọ dụng?

4. Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo chơn chánh giác sát thọ dụng y phục chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, chỉ với mục đích che đậy sự hổ thẹn. Vị ấy chơn chánh giác sát thọ dụng món ăn khất thực, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh, nghĩ rằng: “Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn. Vị ấy chơn chánh giác sát thọ dụng sàng tọa chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, chỉ giải trừ nguy hiểm của thời tiết, chỉ với mục đích sống độc cư an tịnh. Vị ấy chơn chánh giác sát thọ dụng những dược phẩm trị bệnh, chỉ để ngăn chận các cảm giác thống khổ đã sanh để được ly khổ hoàn toàn. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không chơn chánh giác sát khi thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy có chơn chánh giác sát khi thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các lậu hoặc phải do thọ dụng mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ nhờ thọ dụng. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do kham nhẫn mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ nhờ kham nhẫn?

5. Này các Tỷ-kheo, ở đây có Tỷ-kheo chơn chánh giác sát kham nhẫn lạnh nóng, đói khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, kham nhẫn những cách nói mạ lỵ phỉ báng, vị ấy có tánh kham nhẫn các cảm thọ về thân, những cảm thọ thống khổ, khốc liệt, đau nhói, nhức nhối không sung sướng, không thích thú, chết điếng người. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các lậu hoặc phải do kham nhẫn mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ nhờ kham nhẫn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do tránh né mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ nhờ tránh né?

6. Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo chơn chánh giác sát, tránh né voi dữ, tránh né ngựa dữ, tránh né bò dữ, tránh né chó dữ, rắn, khúc cây, gai góc, hố sâu, vực núi, ao nước nhớp, vũng nước. Những chỗ ngồi không xứng đáng nếu ngồi, những trú xứ không nên lai vãng nếu đến, những bạn bè ác độc, nếu giao du bị các vị đồng Phạm hạnh có trí nghi ngờ khinh thường. Vị chơn chánh giác sát tránh né chỗ ngồi không xứng đáng ấy, trú xứ không nên lai vãng ấy và các bạn bè độc ác ấy. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không tránh né như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy tránh né như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các lậu hoặc phải do tránh né mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ nhờ tránh né. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do trừ diệt mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ nhờ trừ diệt?

7. Này các Tỷ-kheo, ở đây vị Tỷ-kheo chơn chánh giác sát không chấp nhận dục niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ khử, diệt tận, không cho tồn tại dục niệm ấy; không chấp nhận sân niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ khử, diệt tận, không cho tồn tại sân niệm ấy; không chấp nhận hại niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ khử, diệt tận, không cho tồn tại hại niệm ấy; không chấp nhận các ác bất thiện pháp luôn luôn khởi lên, từ bỏ, trừ khử, diệt tận, không cho tồn tại các ác bất thiện pháp ấy. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không trừ khử như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy trừ khử như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các lậu hoặc phải do trừ diệt mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ nhờ trừ diệt. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do tu tập mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ nhờ tu tập?

8. Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo chơn chánh giác sát tu tập niệm giác chi, niệm giác chi này y xuất ly, y ly tham, y diệt tận, đưa đến từ bỏ, chơn chánh giác sát tu tập trạch pháp giác chi… (như trên)… tu tập tinh tấn giác chi… tu tập hỷ giác chi… tu tập khinh an giác chi… tu tập định giác chi… tu tập xả giác chi; xả giác chi này y xuất ly, y ly tham, y diệt tận, đưa đến từ bỏ. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không tu tập như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy tu tập như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các lậu hoặc phải do tu tập mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ nhờ tu tập.

Này các Tỷ-kheo, thành tựu sáu pháp này, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.

(V) (59) Người Bán Củi

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn ở Nàdika, tại giảng đường bằng gạch. Bấy giờ có gia chủ bán củi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với người bán củi đang ngồi xuống một bên:

2. – Này Gia chủ, trong gia đình Ông có bố thí không?

– Bạch Thế Tôn, trong gia đình con có bố thí. Những Tỷ-kheo là vị sống ở rừng, theo hạnh khất thực, mặc áo lấy vải lượm từ đống rác, bậc A-la-hán, hay thực hành A-la-hán đạo, những Tỷ-kheo như vậy, bạch Thế Tôn, đều được bố thí.

3. – Nhưng chắc chắn, này Gia chủ, đây thực là một sự khó khăn cho Ông, một người tại gia thọ dụng các dục, bị con cháu trói buộc, được dùng hương chiên đàn từ Kàsi, được đeo và thoa với vòng hoa, hương, hương liệu, được tiêu dùng vàng và bạc để có thể nói ai là bậc A-la-hán, ai là bậc thực hành A-la-hán đạo. Tỷ-kheo trú tại rừng núi, này Gia chủ, nếu tháo động, kiêu căng dao động, lắm mồm, lắm miệng, lắm lời, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn thả lỏng, thời vị ấy về phương diện này đáng bị chỉ trích. Này Gia chủ, nếu Tỷ-kheo trú ở rừng núi, không tháo động, không kiêu căng, không dao động, không lắm mồm, lắm miệng, không lắm lời, chánh niệm, tỉnh giác, định tĩnh, nhất tâm, với các căn được phòng hộ, thời vị ấy về phương diện này đáng được tán thán. Nếu Tỷ-kheo sống ở cuối làng, này Gia chủ, tháo động, kiêu căng… các căn thả lỏng; vị ấy về phương diện này đáng bị chỉ trích. Nếu Tỷ-kheo sống ở cuối làng, này Gia chủ, không tháo động, không kiêu căng… các căn được phòng hộ, thời vị ấy về phương diện này đáng được tán thán. Nếu vị Tỷ-kheo theo hạnh khất thực, này Gia chủ, nhưng còn tháo động, kiêu căng… đáng bị chỉ trích. Nếu Tỷ-kheo theo hạnh khất thực, này Gia chủ, nhưng không tháo động, không kiêu căng… đáng được tán thán. Nếu Tỷ-kheo nào nhận lời mời, này Gia chủ, nhưng còn tháo động… đáng bị chỉ trích. Nếu Tỷ-kheo nào nhận lời mời, này Gia chủ, nhưng không tháo động… đáng được tán thán. Nếu Tỷ-kheo nào mặc áo lấy vải lượm từ đống rác, này Gia chủ, nhưng còn tháo động… đáng bị chỉ trích. Nếu Tỷ-kheo nào mặc áo lấy vải lượm từ đống rác, này Gia chủ, nhưng không tháo động… đáng được tán thán. Nếu Tỷ-kheo nào mang y từ người Gia chủ cúng, nhưng không tháo động… đáng được tán thán. Tuy vậy, này Gia chủ, hãy cúng dường chúng Tăng. Nếu Ông cúng dường chúng Tăng, tâm sẽ được định tín. Nếu Ông có tâm định tín, lúc thân hoại mạng chung, sẽ được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.

– Bạch Thế Tôn, bắt đầu từ hôm nay, con sẽ bố thí cúng dường chúng Tăng.

(VI) (60) Hatthisàriputta

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn trú ở Bàrànasi tại Isipatana, vườn Lộc Uyển. Lúc bấy giờ, nhiều vị Tỷ-kheo trưởng lão, sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại ngôi nhà hình tròn và thuyết về Thắng pháp luận. Tại đấy, Tôn giả Hatthisàriputta, trong khi các Tỷ-kheo trưởng lão đang thuyết về Thắng pháp luận, lại nói xen vào chặng giữa. Rồi Tôn giả Mahàkotthita nói với Tôn giả Hatthisàriputta:

– Tôn giả Citta Hatthisàriputta, trong khi các Tỷ-kheo trưởng lão đang thuyết về Thắng pháp luận, chớ có nói xen vào chặng giữa! Tôn giả Citta hãy chờ cho đến cuối câu chuyện.

Ðược nghe nói vậy, các Tỷ-kheo bạn bè của Tôn giả Citta Hatthisàriputta nói với Tôn giả Mahàkotthita:

– Tôn giả Kotthita chớ có bất mãn Tôn giả Citta Hatthisàriputta! Tôn giả Citta Hatthisàriputta là bậc Hiền trí. Tôn giả Citta Hatthisàriputta có thể nói chuyện về Thắng pháp luận với các Tỷ-kheo trưởng lão và thật rất khó lòng cho các Hiền giả để biết được tâm tư của người khác.

2. Ở đây, thưa các Hiền giả, có hạng người, khi còn sống gần vị Bổn sư hay sống gần một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, trong khi ấy, là người nhu hòa nhất trong những người nhu hòa, là người khiêm tốn nhất trong những người khiêm tốn, là người an tịnh nhất trong những người an tịnh. Khi người ấy rời khỏi bậc Ðạo Sư, rời khỏi các vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, vị ấy sống giao thiệp với các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo-ni, với các nam cư sĩ, nữ cư sĩ, với các vua chúa, các đại thần của vua, với các ngoại đạo, các đệ tử ngoại đạo. Do vị ấy sống giao thiệp, phóng túng, thô lỗ, đam mê nói chuyện, tham ái tấn công tâm vị ấy. Vị ấy, với tâm bị tham ái tấn công, liền từ bỏ học pháp và hoàn tục. Ví như, này các Hiền giả, một con bò ăn lúa, bị dây cột lại, hay bị nhốt trong chuồng. Này Hiền giả, nếu có ai nói như sau: “Con bò ăn lúa này sẽ không bao giờ đi xuống ruộng lúa nữa”, nói như vậy, thưa các Hiền Giả, là nói một cách chơn chánh không?

– Thưa không, thưa Hiền giả, sự kiện này, thưa Hiền giả, có xảy ra: Con bò ăn lúa ấy, sau khi bứt dây, hay phá sập chuồng, có thể xuống ruộng lúa nữa.

Cũng vậy, này các Hiền giả, ở đây, một số người khi còn sống gần vị Bổn Sư, hay sống gần một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, trong khi ấy, là người nhu hòa nhất trong những người nhu hòa, là người khiêm tốn nhất trong những người khiêm tốn, là người an tịnh nhất trong những người an tịnh. Khi người ấy rời khỏi bậc Ðạo Sư, rời khỏi vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, vị ấy sống giao thiệp với các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo-ni, với các nam cư sĩ, nữ cư sĩ, với các vua chúa, các đại thần của vua, với các ngoại đạo, các đệ tử ngoại đạo. Do vị ấy sống giao thiệp, phóng túng, thô lỗ, đam mê nói chuyện, tham ái tấn công tâm vị ấy. Vị ấy, với tâm bị tham ái tấn công, liền từ bỏ học pháp và hoàn tục.

3. Ví như có hạng người ly dục…, chứng và trú sơ Thiền. Với tư tưởng: “Ta đã được sơ Thiền”, vị ấy sống giao thiệp với các Tỷ-kheo… từ bỏ học pháp và hoàn tục. Ví như, này các Hiền giả, một cơn mưa to lớn xảy ra tại ngã tư đường, khiến cho bụi bặm biến mất và bùn hiện ra. Này các Hiền giả, nếu có ai nói như sau: “Nay tại ngã tư đường này, bụi sẽ không hiện ra nữa”. Người ấy nói như vậy có nói một cách chơn chánh không?

– Thưa không, thưa Hiền giả. Sự kiện này có xảy ra, thưa Hiền giả: “Tại ngã tư đường này, có người đi qua, hay có trâu bò đi qua, hay gió và nóng có thể làm cho khô khí ẩm ướt và bụi sẽ hiện ra trở lại.

– Cũng như vậy, thưa các Hiền giả, ở đây có hạng người ly dục… chứng và trú Thiền thứ nhất. Vị ấy, với ý nghĩa: “Ta đã chứng sơ thiền”, sống giao thiệp với các Tỷ-kheo… từ bỏ học pháp và hoàn tục.

4. Ở đây, này các Hiền giả, có hạng người làm cho tịnh chỉ tầm và tứ… chứng và trú Thiền thứ hai. Vị ấy, với ý nghĩa: “Ta đã chứng được Thiền thứ hai”, giao thiệp với các Tỷ-kheo… từ bỏ học pháp và hoàn tục. Ví như, thưa các Hiền giả, một hồ nước lớn gần một làng hay thị trấn. Tại đấy, một cơn mưa to xảy đến, khiến cho các loài sò ốc, các đá sỏi biến mất.

Thưa các Hiền giả, nếu có ai nói như sau: “Nay tại hồ nước này, các loại sò ốc, các đá sỏi sẽ không xuất hiện ra nữa”. Người ấy nói như vậy có nói một cách chơn chánh không?

– Thưa không, thưa Hiền giả. Sự kiện này có xảy ra, thưa Hiền giả: Tại hồ nước này, loài Người có thể uống, hay loài trâu bò có thể uống, hay gió và sức nóng có thể làm cho khô khí ẩm ướt, và các loài sò ốc, các đá sỏi có thể xuất hiện ra lại.

– Cũng vậy, thưa các Hiền giả, ở đây có hạng người làm cho tịnh chỉ tầm và tứ… chứng và trú Thiền thứ hai. Vị ấy với ý nghĩ: “Ta đã chứng được Thiền thứ hai”, giao thiệp với các Tỷ-kheo… từ bỏ học pháp và hoàn tục.

5. Ở đây, thưa các Hiền giả, có hạng người từ bỏ hỷ… chứng và trú Thiền thứ ba. Vị ấy với ý nghĩ: “Ta đã chứng được Thiền thứ ba”, giao thiệp với các Tỷ-kheo… từ bỏ học pháp và hoàn tục. Ví như, thưa các Hiền giả, có người đã ăn đồ ăn thượng vị, không ưa thích các đồ ăn hôm qua để lại. Thưa các Hiền giả, nếu ai nói như sau: “Nay người này không còn ưa thích đồ ăn nữa”, thưa các Hiền giả, người ấy nói như vậy có nói một cách chơn chánh không?

– Thưa không, thưa Hiền giả. Sự kiện có xảy ra: Người này, thưa Hiền giả, khi ăn đồ ăn thượng vị, cho đến khi nào chất dinh dưỡng còn tồn tại trong thân, cho đến khi ấy, không có một món ăn nào khác sẽ làm vị ấy ưa thích. Cho đến khi chất dinh dưỡng tiêu mất, khi ấy món ăn có thể làm cho vị ấy ưa thích.

– Cũng vậy, này các Hiền giả, ở đây có hạng người từ bỏ hỷ… chứng và trú Thiền thứ ba, vị ấy với ý nghĩ: “Ta đã chứng được Thiền thứ ba”, giao thiệp với các Tỷ-kheo… từ bỏ học pháp và hoàn tục.

6. Ví như, này các Hiền giả, có hạng người từ bỏ lạc, từ bỏ khổ… chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Vị ấy với ý nghĩ: “Ta đã chứng được Thiền thứ tư”, giao thiệp với các Tỷ-kheo… từ bỏ học pháp và hoàn tục. Ví như, này các Hiền giả, một hồ nước trong khe núi, không có gió, không có sóng. Rồi thưa các Hiền giả, nếu có ai nói như sau: “Nay trong hồ nước này sẽ không hiện ra sóng nữa”, người ấy, thưa các Hiền giả, có nói một cách chơn chánh không?

– Thưa không, thưa Hiền giả. Sự kiện này có thể xảy ra: Nếu từ phương Ðông, mưa to gió lớn đến, mưa to gió lớn ấy làm cho hồ nước ấy khởi sóng; nếu từ phương Tây… nếu từ phương Bắc… nếu từ phương Nam, mưa to gió lớn đến, mưa to gió lớn ấy làm cho hồ nước ấy khởi sóng.

– Cũng vậy, này các Hiền giả, ở đây có hạng người từ bỏ lạc, từ bỏ khổ… chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Vị ấy với ý nghĩ: “Ta đã chứng được Thiền thứ tư”, giao thiệp với Tỷ-kheo… từ bỏ học pháp và hoàn tục.

7. Ở đây, này các Hiền giả, có hạng người không tác ý tất cả các tướng, chứng đạt và an trú vô tướng tâm định. Vị ấy, với ý nghĩ: “Ta đã chứng đạt được vô tướng tâm định”, sống giao thiệp với các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo-ni, với các nam cư sĩ, nữ cư sĩ, với các vua chúa, đại thần các vua chúa, với các ngoại đạo, các đệ tử ngoại đạo. Do vị ấy sống giao thiệp, phóng túng, thô lỗ, đam mê nói chuyện, nên tham ái tấn công tâm vị ấy. Vị ấy, với tâm bị tham ái tấn công, liền từ bỏ học pháp và hoàn tục. Ví như, thưa các Hiền giả, một vị vua, hay đại thần của vua, đang đi giữa đường cùng với bốn loại binh chủng, đến trú ở một đêm tại một khóm rừng. Ở đấy, do tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng bộ binh, tiếng trống lớn, trống nhỏ, tiếng tù và, nên tiếng của con dế biến mất. Rồi này các Hiền giả, có người nói như sau: “Nay trong khóm rừng này, tiếng kêu của con dế không hiện ra nữa”. Người ấy nói như vậy, thưa các Hiền giả, có nói một cách chơn chánh không?

– Thưa không, thưa Hiền giả. Sự kiện này có xảy ra, thưa Hiền giả: Khi nào vua hay vị đại thần của vua ra đi khỏi khóm rừng này, khi ấy tiếng con dế kêu sẽ hiện hữu.

– Cũng vậy, thưa các Hiền giả, ở đây, có hạng người do không tác ý tất cả các tướng, chứng đạt và an trú vô tướng tâm định. Vị ấy, với ý nghĩ: “Ta đạt được vô tướng tâm định”, sống giao thiệp với các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo-ni, với các nam cư sĩ, nữ cư sĩ, với các vua chúa, các đại thần của vua, với các ngoại đạo, các đệ tử ngoại đạo. Do vị ấy sống giao thiệp, phóng túng, thô lỗ, đam mê nói chuyện, nên tham ái tấn công tâm vị ấy. Vị ấy, với tâm bị tham ái tấn công, liền từ bỏ học pháp và hoàn tục.

8. Rồi Tôn giả Citta Hatthisàriputta sau một thời gian từ bỏ học pháp và hoàn tục. Rồi các Tỷ-kheo, bạn của Tôn giả Citta Hatthisàriputta đi đến Tôn giả Mahàkotthita, sau khi đến nói với Tôn giả Mahàkotthita:

– Có phải Tôn giả Mahàkotthita biết được tâm của Citta Hatthisàriputta với tâm của mình: “Citta Hatthisàriputta đã chứng quả chứng này, quả chứng này, hay là chư Thiên báo cho biết về vấn đề này; tuy vậy, vị ấy sẽ từ bỏ học pháp và hoàn tục”?

– Thưa chư Hiền, tôi biết được tâm của Citta Hatthisàriputta với tâm của tôi, rằng Citta đã chứng được quả chứng này, quả chứng này, và chư Thiên cũng báo cho biết về vấn đề này: “Thưa Tôn giả, Citta Hatthisàriputta đã chứng được quả chứng này, quả chứng này, nhưng vị ấy sẽ từ bỏ học pháp và hoàn tục”.

Rồi các bạn bè của Citta Hatthisàriputta đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Citta Hatthisàriputta đã chứng được quả chứng này, quả chứng này, nhưng đã từ bỏ học pháp và hoàn tục.

– Này các Tỷ-kheo, Citta không bao lâu sẽ nghĩ đến xuất ly.

9. Rồi Citta Hatthisàriputta không bao lâu cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Rồi Tôn giả Citta Hatthisàriputta sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu chứng được mục đích mà các thiện nam tử chân chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, hướng đến. Ðó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, vị ấy ngay trong hiện tại đã tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ rằng: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

Và Tôn giả Citta Hatthisàriputta trở thành một vị A-la-hán.

(VII) (61) Con Ðường Ði Ðến Bờ Bên Kia

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại Isipatana, vườn Lộc Uyển. Lúc bấy giờ, nhiều Tỷ-kheo trưởng lão, sau bữa ăn, trên con đường đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại ngôi nhà hình tròn, và câu chuyện sau đây được khởi lên:

– Này chư Hiền, Thế Tôn đã nói như sau trong “Con đường đến bờ bên kia” trong câu hỏi của Metteyya:

Ai biết hai cực đoan,
Giữa bậc Trí không nhiễm,
Ta gọi bậc Ðại nhân,
Ðây, vượt người dệt vải.

– Thưa Hiền giả, thế nào là một cực đoan? Thế nào là cực đoan thứ hai? Thế nào là chặng giữa? Thế nào là người dệt vải?

2. Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:

– Thưa chư Hiền, xúc là một cực đoan. Xúc tập khởi là cực đoan thứ hai. Xúc diệt là chặng giữa. Ái là người thợ dệt; vì rằng ái dệt, nên khiến cho vị ấy phải sanh ở hữu này. Cho đến như vậy, thưa chư Hiền, Tỷ-kheo thắng tri được điều có thể thắng tri, liễu tri được điều có thể liễu tri. Do thắng tri được điều có thể thắng tri, do liễu tri được điều có thể liễu tri, ngay trong hiện tại, vị ấy có thể chấm dứt khổ đau.

3. Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo khác thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:

– Quá khứ, thưa chư Hiền, là một cực đoan. Tương lai là cực đoan thứ hai. Hiện tại là chặng giữa. Ái là người dệt vải. Do ái dệt, nên khiến cho vị ấy phải sanh ở hữu này. Cho đến như vậy, thưa chư Hiền, Tỷ-kheo thắng tri được điều có thể thắng tri… vị ấy có thể chấm dứt khổ đau.

4. Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo khác thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:

– Lạc, thưa chư Hiền, là một cực đoan. Khổ là cực đoan thứ hai. Không khổ không lạc là chặng giữa. Ái là người dệt vải. Do ái dệt, nên khiến cho vị ấy phải sanh ở hữu này… có thể chấm dứt khổ đau.

5. Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo khác thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:

– Danh, thưa chư Hiền, là một cực đoan. Sắc là cực đoan thứ hai. Thức là chặng giữa. Ái là người dệt vải. Do ái dệt… có thể chấm dứt khổ đau.

6. Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo khác thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:

– Sáu nội xứ, thưa chư Hiền, là một cực đoan. Sáu ngoại xứ là cực đoan thứ hai. Thức là chặng giữa. Ái là người dệt vải. Do ái dệt… có thể chấm dứt khổ đau.

7. Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo khác thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:

– Thân, thưa chư Hiền, là một cực đoan. Thân kiến tập khởi là cực đoan thứ hai. Thân kiến diệt là chặng giữa. Ái là người dệt vải. Do ái dệt… có thể chấm dứt khổ đau.

8. Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo khác thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:

– Thưa chư Hiền, tất cả chúng tôi đã trả lời tùy theo sự hiểu biết của chúng tôi. Thưa chư Hiền, chúng ta sẽ đi đến Thế Tôn, sau khi đến, chúng ta sẽ hỏi Thế Tôn về ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời cho chúng ta như thế nào, chúng ta sẽ thọ trì như vậy.

– Thưa vâng, thưa Hiền giả.

Các Tỷ-kheo trưởng lão vâng đáp Tỷ-kheo ấy. Rồi các trưởng lão đi đến Thế Tôn, sau khi đi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ -kheo trưởng lão thuật lại với Thế Tôn tất cả câu chuyện đã xảy ra và thưa:

– Bạch Thế Tôn, ai là người đã khéo nói?

– Tất cả các Thầy, này các Tỷ-kheo, đều khéo nói theo phương pháp của mình. Nhưng, đây là vấn đề Ta nói về con đường đi đến bờ bên kia trong các câu hỏi của Metteyya.

Ai biết hai cực đoan,
Giữa bậc Trí không nhiễm,
Ta gọi bậc Ðại nhân,
Ðây, vượt người dệt vải.

Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói:

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các vị Tỷ-kheo trưởng lão vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

– Xúc, này các Tỷ-kheo, là cực đoan. Xúc tập khởi là cực đoan thứ hai. Xúc diệt là chặng giữa. Ái là người dệt vải; vì rằng ái dệt nên khiến cho vị ấy phải sanh ở hữu này. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thắng tri được điều có thể thắng tri, liễu tri được điều có thể liễu tri. Do thắng tri được điều có thể thắng tri, liễu tri được điều có thể liễu tri, ngay trong hiện tại, vị ấy có thể chấm dứt khổ đau.

(VIII) (62) Lời Cảm Hứng

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala với đại chúng Tỷ-kheo, đi đến một thị trấn của dân chúng Kosala tên là Dandakappaka. Rồi Thế Tôn từ trên đường bước xuống, ngồi xuống trên chỗ đã được sửa soạn dưới một gốc cây; còn các Tỷ-kheo ấy đi vào Dandakappaka để tìm chỗ ở. Bấy giờ Tôn giả Ananda cùng với một số đông Tỷ-kheo, đi đến sông Aciravatì để rửa tay chân, sau khi rửa tay chân ở sông Aciravatì xong, ra khỏi sông, đứng trên bờ đắp một y để phơi tay chân cho khô.

2. Rồi một Tỷ-kheo đi đến Tôn giả Ananda, sau khi đến, thưa với Tôn giả Ananda:

– Có phải Thế Tôn tập trung tất cả tâm, thưa Tôn giả Ananda, để tuyên bố về Devadatta như sau: “Devadatta phải sanh vào đọa xứ, phải sanh vào địa ngục cho đến một kiếp, không thể cứu hộ được” hay có phải nhờ một Thiên nhân?

– Thật đúng như Thế Tôn đã tuyên bố.

Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

– Ở đây, bạch Thế Tôn, với một số đông Tỷ-kheo, con đi đến sông Aciravatì để rửa tay chân, sau khi rửa tay chân ở sông Aciravatì xong, ra khỏi sông, đứng trên bờ đắp một tấm y để phơi tay chân cho khô. Rồi bạch Thế Tôn, một Tỷ-kheo đi đến con, sau khi đến thưa với con: “Có phải Thế Tôn tập trung tất cả tâm, thưa Tôn giả Ananda, để tuyên bố về Devadatta như sau: ‘Devadatta phải sanh vào đọa xứ, phải sanh vào địa ngục cho đến một kiếp, không thể cứu độ được’ hay có phải nhờ một Thiên nhân? “

Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời Tỷ-kheo ấy: “Thưa Hiền giả, thật đúng như Thế Tôn đã tuyên bố”.

– Này Ananda, hoặc Tỷ-kheo ấy là vị tân nhập, xuất gia chưa được bao lâu, hay vị ấy là Tỷ-kheo trưởng lão ngu si, không thông minh. Làm sao khi ta đã tuyên bố một chiều, ở đây lại có thể có trường hợp thứ hai được? Ta không thể thấy về một người nào khác, này Ananda, sau khi tập trung tất cả tâm, Ta đã tuyên bố như vậy, trừ với Devadatta! Cho đến khi nào, này Ananda, Ta thấy một pháp trắng nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa ở Devadatta, thời Ta đã không tuyên bố về Devadatta như sau: “Devadatta phải sanh vào đọa xứ, phải sanh vào địa ngục cho đến một kiếp, không thể cứu độ được”. Cho đến khi nào, này Ananda, Ta không thấy một pháp trắng nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa ở Davadatta, cho nên Ta đã tuyên bố về Devadatta như sau: “Devadatta phải sanh vào đọa xứ, phải sanh vào địa ngục cho đến một kiếp, không thể cứu hộ được”. Ví như, này Ananda, một hố phân cao hơn đầu người, đầy cả phân, và một người rơi vào hố phân cho đến cả đầu. Rồi một người khác đi đến, muốn lợi ích, muốn hạnh phúc, muốn người ấy an ổn khỏi các khổ ách, muốn kéo người ấy ra khỏi hố phân ấy. Người này đi vòng quanh hố phân và không thấy cho đến một điểm nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa ở người ấy mà không bị dính phân, để có thể nắm lấy chỗ ấy và kéo lên. Cũng vậy, này Ananda, cho đến khi nào, Ta thấy một pháp trắng nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa ở Devadatta, thời Ta đã không tuyên bố về Devadatta như sau: “Devadatta phải sanh vào đọa xứ, phải sanh vào địa ngục cho đến một kiếp, không thể cứu hộ được”. Nếu thầy muốn nghe, này Ananda, Như Lai sẽ phân tích về căn trí của con người.

– Nay đã đến thời, bạch Thế Tôn! Nay đã đến thời, bạch Thiên Thệ, để Thế Tôn phân tích các căn trí của con người, sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.

– Vậy này Ananda, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói:

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

3. – Ở đây, này Ananda, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của một người khác: “Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện”. Sau một thời gian khác, cũng vậy, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người ấy: “Trong người này, các pháp thiện đã biến mất, các pháp bất thiện đang hiện hữu, nhưng còn có cội gốc thiện chưa bị cắt đứt. Và pháp thiện sẽ khởi lên từ cội gốc thiện ấy”. Như vậy người này sẽ không bị thối đọa trong tương lai. Ví như, này Ananda, các hột giống chưa bị bể vụn, chưa bị hư thối, chưa bị gió và sức nóng phá hoại, còn giữ được sức sống bám sâu trong cánh đồng, được gieo trên mảnh đất khéo sửa soạn. Này Ananda, Thầy có thể biết những hột giống này sẽ được lớn lên, được tăng trưởng, được lớn mạnh không?

– Thưa có, bạch Thế Tôn.

– Cũng vậy, này Ananda, ở đây, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của một người khác: “Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện”. Sau một thời gian khác, cũng vậy, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người ấy: “Trong người này, các pháp thiện đã biến mất, các pháp bất thiện đang hiện hữu. Nhưng còn có cội gốc thiện chưa bị cắt đứt. Và thiện pháp sẽ khởi lên từ cội gốc thiện ấy”. Như vậy người này sẽ không bị thối đọa trong tương lai. Như vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình biết được tâm của loài Người. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình đã biết được các căn trí của người. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình biết được pháp sanh khởi trong tương lai.

4. Ở đây, này Ananda, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của một người khác: “Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện”. Sau một thời gian khác, cũng vậy, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người ấy: “Trong người này, các pháp bất thiện đã biến mất, các pháp thiện đang hiện hữu, nhưng còn có cội gốc bất thiện chưa bị cắt đứt và các pháp bất thiện sẽ khởi lên từ cội gốc bất thiện ấy”. Như vậy người này sẽ bị thối đọa trong tương lai. Ví như, này Ananda, các hột giống chưa bị bể vụn, chưa bị hư thối, chưa bị gió và sức nóng phá hoại, còn giữ được sức sống, được bám sâu trong cánh đồng, được gieo trên mảnh đất đầy sỏi đá. Này Ananda, Thầy có thể rõ biết những hột giống này sẽ không có thể được lớn lên, được tăng trưởng, được lớn mạnh không?

– Thưa có, bạch Thế Tôn.

– Cũng vậy, này Ananda, ở đây, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người khác: “Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện”. Sau một thời gian khác, cũng vậy, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người ấy: “Trong người này, các pháp bất thiện đã biến mất, các pháp thiện đang hiện hữu, nhưng cội gốc của pháp bất thiện chưa được cắt đứt và các pháp bất thiện sẽ khởi lên từ cội gốc bất thiện ấy. Như vậy người này sẽ bị thối đọa trong tương lai”. Như vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình, đã biết được tâm của loài Người. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình đã biết được các căn trí của người. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình biết được pháp sanh khởi trong tương lai.

5. Ở đây, này Ananda, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người khác: “Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện”. Sau một thời gian, cũng vậy, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người ấy: “Người này không có pháp trắng cho đến nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa. Người này thành tựu với những pháp bất thiện, chỉ một mặt màu đen, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục”. Ví như, này Ananda, các hột giống bị bể vụn, bị hư thối, bị gió và sức nóng phá hoại, được bám sâu trong cánh đồng, được gieo trên mảnh đất khéo sửa soạn. Này Ananda, Thầy có thể rõ biết những hột giống này không thể được lớn lên, được tăng trưởng, được lớn mạnh không?

– Thưa có, bạch Thế Tôn.

– Cũng vậy, này Ananda, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người khác: “Trong người này, có những pháp thiện, và những pháp bất thiện”. Sau một thời gian, cũng vậy, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người ấy: “Người này không có pháp trắng cho đến nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa. Người này thành tựu với những pháp bất thiện, chỉ một mặt màu đen, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục”. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình biết được tâm của loài Người. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình đã biết được các căn trí của người. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình, biết được pháp sanh khởi trong tương lai.

Khi được nói vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, có thể tuyên bố ba hạng người khác đồng loại với ba người này hay không?

– Có thể được, này Ananda.

Thế Tôn nói như sau:

6. – Ở đây, này Ananda, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người khác như sau: “Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện”. Sau một thời gian, cũng vậy, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người ấy: “Trong người này, các pháp thiện đã biến mất, các pháp bất thiện đang hiện khởi; và cội gốc thiện chưa bị cắt đứt và nhưng đi đến hoàn toàn bị nhổ lên bởi người ấy. Như vậy, người này sẽ đi đến thối đọa trong tương lai”. Ví như, này Ananda, các cục than cháy đỏ, rực cháy, cháy lửa ngọn, được quăng trên đất sỏi. Này Ananda, Thầy có biết không, đống than này không có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh?

– Thưa có, bạch Thế Tôn.

Ví như, này Ananda, vào buổi chiều, mặt trời đang lặn, Thầy có thể biết được chăng, này Ananda, biết rằng: “Ánh sáng đã biến mất, bóng tối đã xuất hiện”?

– Thưa có, bạch Thế Tôn.

Ví như, này Ananda, khi đêm đã qua một phần, trong thời gian ăn cơm, Thầy có biết chăng, này Ananda, biết rằng: “Ánh sáng đã biến mất, bóng tối đã xuất hiện”?

– Thưa có, bạch Thế Tôn.

– Cũng vậy, này Ananda, ở đây với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người khác như sau: “Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện”. Sau một thời gian, cũng vậy, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người ấy, biết rằng: “Trong người này, các pháp thiện đã biến mất, các pháp bất thiện đã hiện khởi. Và cội gốc thiện chưa bị cắt đứt, đi đến hoàn toàn bị nhổ lên bởi người ấy. Như vậy, người này sẽ đi đến thối đọa trong tương lai”. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai biết được tâm của loài Người, với tâm của mình. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình đã biết được các căn trí của người. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình, biết được pháp sanh khởi trong tương lai.

7. Ở đây, này Ananda, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người khác như sau: “Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện”. Sau một thời gian, cũng vậy, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người ấy: “Trong người này, các pháp bất thiện đã biến mất, các pháp thiện hiện khởi; cội gốc bất thiện chưa bị cắt đứt, nhưng đi đến hoàn toàn bị nhổ lên bởi người ấy. Như vậy, người này sẽ không phải bị thối đọa trong tương lai”. Ví như, này Ananda, đống than cháy đỏ, rực cháy, cháy lửa ngọn, quăng trên một đống cỏ khô, hay trên đống củi khô. Này Ananda, Thầy có biết chăng, đống than này sẽ được lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh?

– Thưa có, bạch Thế Tôn.

– Ví như, này Ananda, đêm đã gần mãn, mặt trời đang mọc; này Ananda, Thầy có biết chăng bóng tối sắp sửa biến mất, ánh sáng sẽ hiện ra”?

– Thưa có, bạch Thế Tôn.

– Ví như, này Ananda, trong một thời gian sau, vào giữa trưa, vào giờ ăn cơm, Thầy có biết chăng, này Ananda, bóng tối đã biến mất, ánh sáng đã hiện ra”?

– Thưa có, bạch Thế Tôn.

– Cũng vậy, này Ananda, ở đây, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người khác như sau: “Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện”. Sau một thời gian khác, cũng vậy, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người ấy: “Trong người này, pháp bất thiện đã biến mất, các pháp thiện được hiện khởi; cội gốc bất thiện chưa bị cắt đứt, nhưng đi đến hoàn toàn bị nhổ lên bởi người ấy. Như vậy, người này sẽ không phải bị thối đọa trong tương lai”. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai biết được tâm của loài Người với tâm của mình. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình đã biết được các căn trí của người. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình, biết được pháp sanh khởi trong tương lai.

8. Ở đây, này Ananda, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người khác như sau: “Trong người này, có những pháp thiện, cũng có những pháp bất thiện”. Sau một thời gian, cũng vậy, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người ấy: “Trong người này không có pháp bất thiện cho đến nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa. Người này thành tựu với những pháp thuần túy trắng, những pháp không có lỗi lầm, ngay trong hiện tại, sẽ được nhập Niết-bàn”. Ví như, này Ananda, những cục than nguội lạnh, đã dập tắt, bị quăng trên đống cỏ hay trên đống củi khô. Này Ananda, Thầy có biết chăng, đống than này không thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh?

– Thưa có, bạch Thế Tôn.

Cũng vậy, ở đây này Aụnanda, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người khác như sau: “Trong người này, có những pháp thiện, cũng có những pháp bất thiện”. Sau một thời gian, cũng vậy, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người ấy: “Trong người này không có pháp bất thiện cho đến nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa. Người này thành tựu với những pháp thuần túy trắng, những pháp không có lỗi lầm, ngay trong hiện tại, sẽ được nhập Niết-bàn”. Như vậy, này Ananda, Như Lai biết được tâm của loài Người với tâm của mình. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình đã biết được căn trí của mình, biết được pháp sanh khởi trong tương lai.

Ở đây, này Ananda, ba hạng người trước, một trong ba người ấy không phải bị thối đọa, một phải bị thối đọa, một bị rơi vào đọa xứ, địa ngục. Ở đây, này Ananda, trong ba hạng người sau, một trong ba hạng người này không phải bị thối đọa, một phải bị thối đọa, một được nhập Niết-bàn.

(IX) (63) Một Pháp Môn Quyết Trạch

1. – Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Thầy pháp môn thể nhập, pháp môn pháp. Hãy nghe và tác ý, Ta sẽ giảng.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

2. – Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp môn thể nhập (quyết trạch), pháp môn pháp?

Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các dục, cần phải biết duyên khởi các dục, cần phải biết các dục sai biệt, cần phải biết các dục dị thục, cần phải biết các dục đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến các dục đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, cần phải biết cảm thọ, cần phải biết các cảm thọ duyên khởi, cần phải biết các cảm thọ sai biệt, cần phải biết các cảm thọ dị thục, cần phải biết các cảm thọ đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến các cảm thọ đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các tưởng, cần phải biết các tưởng duyên khởi, cần phải biết các tưởng sai biệt, cần phải biết các tưởng dị thục, cần phải biết các tưởng đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến các tưởng đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các lậu hoặc, cần phải biết các lậu hoặc duyên khởi, cần phải biết các lậu hoặc sai biệt, cần phải biết các lậu hoặc dị thục, cần phải biết các lậu hoặc đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, cần phải biết nghiệp, cần phải biết duyên khởi các nghiệp, cần phải biết các nghiệp sai biệt, cần phải biết các nghiệp dị thục, cần phải biết các nghiệp đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến nghiệp đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, cần phải biết khổ, cần phải biết khổ duyên khởi, cần phải biết khổ sai biệt, cần phải biết khổ dị thục, cần phải biết khổ đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến khổ đoạn diệt.

3. Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các dục, cần phải biết các dục duyên khởi, cần phải biết các dục sai biệt, cần phải biết các dục dị thục, cần phải biết các dục đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến các dục đoạn diệt, đã được nói như vậy. Và do duyên gì được nói như vậy?

Này các Tỷ-kheo, có năm dục trưởng dưỡng này: Các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả ý, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức… các hương do mũi nhận thức… các vị do lưỡi nhận thức… các xúc do thân nhận thức… khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, dầu chúng không phải dục, chúng được gọi là dục trưởng dưỡng trong giới luật của bậc Thánh.

Các tư duy tham ái,
Là dục của con người,
Các hoa mỹ ở đời,
Chúng không phải là dục,
Các tư duy tham ái
Là dục của con người,
Các hoa mỹ an trú
Như vậy ở trên đời,
Ở đây những bậc Trí,
Nhiếp phục được lòng dục
.

4. Này các Tỷ-kheo, thế nào là các dục duyên khởi? Xúc, này các Tỷ-kheo, là các dục duyên khởi.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các dục sai biệt? Này các Tỷ-kheo, dục trên các sắc là khác, dục trên các tiếng là khác, dục trên các hương là khác, dục trên các vị là khác, dục trên các xúc là khác. Này các Tỷ-kheo, đây là các dục sai biệt.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các dục dị thục? Này các Tỷ-kheo, khi muốn một cái gì, sanh khởi một tự ngã khởi lên từ vật ấy, từ vật ấy, để dự phần phước đức, hay để dự phần không phước đức, Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các dục dị thục.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các dục đoạn diệt? Xúc đoạn diệt, này các Tỷ-kheo là dục đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo tám ngành đưa đến các dục đoạn diệt. Tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Khi nào, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử rõ biết các dục như vậy, rõ biết các dục sanh khởi như vậy, rõ biết các dục sai biệt như vậy, rõ biết các dục dị thục như vậy, rõ biết các dục đoạn diệt như vậy, rõ biết con đường đưa đến các dục đoạn diệt như vậy, khi ấy, vị ấy được rõ biết Phạm hạnh thể nhập này như là các dục đoạn diệt.

Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các dục… cần phải biết con đường đưa đến dục đoạn diệt, Ðoạn diệt đã được nói như vậy. Chính do duyên này, đã được nói như vậy.

5. Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các cảm thọ… cần phải biết con đường đưa đến các cảm thọ đoạn diệt, đã được nói như vậy. Do duyên gì đã được nói như vậy?

Này các Tỷ-kheo, có ba cảm thọ này: lạc thọ, khổ thọ, phi khổ phi lạc thọ.

6. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các cảm thọ sanh khởi? Xúc, này các Tỷ-kheo, là các cảm thọ sanh khởi. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các cảm thọ sai biệt? Này các Tỷ-kheo, có các lạc thọ liên hệ đến vật chất, có các lạc thọ không liên hệ đến vật chất; có các khổ thọ liên hệ đến vật chất, có các khổ thọ không liên hệ đến vật chất; có các cảm thọ không khổ không lạc liên hệ đến vật chất, có các cảm thọ không khổ không lạc không liên hệ đến vật chất. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các cảm thọ sai biệt.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các cảm thọ dị thục? Này các Tỷ-kheo, khi nào cảm thọ cái gì, sanh khởi một tự ngã khởi lên từ vật ấy, từ vật ấy, để dự phần phước đức, hay để dự phần không phước đức. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các cảm thọ dị thục.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các cảm thọ đoạn diệt? Xúc đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, là các cảm thọ đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo tám ngành đưa đến các cảm thọ đoạn diệt. Tức là chánh tri kiến… chánh định. Và khi nào, này các Tỷ kheo, vị Thánh đệ tử đã biết các cảm thọ như vậy, rõ biết các cảm thọ sanh khởi như vậy, rõ biết các cảm thọ sai biệt như vậy, rõ biết các cảm thọ dị thục như vậy, rõ biết các cảm thọ đoạn diệt như vậy, khi ấy, vị ấy được rõ biết Phạm hạnh thể nhập này như là các cảm thọ đoạn diệt.

Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các cảm thọ… cần phải biết con đường đưa đến các cảm thọ đoạn diệt, đã nói như vậy. Chính do duyên này, đã được nói như vậy.

7. Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các tưởng…cần phải biết con đường đưa đến các tưởng đoạn diệt, đã được nói như vậy. Do duyên gì đã được nói như vậy?

Này các Tỷ-kheo, có sáu tưởng này: Sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng, pháp tưởng.

8. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tưởng sanh khởi? Này các Tỷ-kheo, xúc là các tưởng sanh khởi.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các tưởng sai biệt? Này các Tỷ-kheo, các tưởng trong các sắc là khác, các tưởng trong các thanh là khác, các tưởng trong các hương là khác, các tưởng trong các vị là khác, các tưởng trong các xúc là khác, các tưởng trong các pháp là khác. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các tưởng sai biệt.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các tưởng dị thục? Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng các tưởng là kết quả của thói quen, khi nào người ta biết sự vật như thế nào, như thế nào, người ta nói sự vật ấy như sau, như sau: “Như vậy tôi tưởng”. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các tưởng dị thục.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các tưởng đoạn diệt? Xúc đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, là tưởng đoạn diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành đưa đến các tưởng đoạn diệt. Tức là chánh tri kiến… chánh định. Khi nào này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử rõ biết các tưởng như vậy, rõ biết các tưởng sanh khởi như vậy, rõ biết các tưởng sai biệt như vậy, rõ biết các tưởng dị thục như vậy, rõ biết các tưởng đoạn diệt như vậy, rõ biết con đường đưa đến các tưởng đoạn diệt như vậy, khi ấy, vị ấy được rõ biết Phạm hạnh thể nhập này như là các tưởng đoạn diệt.

Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các tưởng… cần phải biết con đường đưa đến các tưởng đoạn diệt, đã được nói như vậy. Chính do duyên này đã được nói như vậy.

9. Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các lậu hoặc… cần phải biết con đường đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt, đã được nói như vậy. Chính do duyên nào đã được nói như vậy? Này các Tỷ-kheo, có ba lậu hoặc này: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.

10. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc sanh khởi? Vô minh, này các Tỷ-kheo, là các lậu hoặc sanh khởi.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc sai biệt? Này các Tỷ-kheo, có các lậu hoặc đưa đến địa ngục, có các lậu hoặc đưa đến bàng sanh, có các lậu hoặc đưa đến ngạ quỷ, có các lậu hoặc đưa đến thế giới loài người, có các lậu hoặc đưa đến thế giới chư Thiên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các lậu hoặc sai biệt.

Và này các Tỷ Kheo, thế nào là các lậu hoặc dị thục ? Này các Tỷ kheo, khi nào vì vô minh cái gì sanh khởi, một tự ngã khởi lên từ vật ấy, từ vật ấy, để dự phần phước đức, hay để dự phần không phước đức. Này các Tỷ kheo, đây gọi là các lậu hoặc dị thục.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc đoạn diệt? Vô minh đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, là các lậu đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo tám ngành đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt. Tức là chánh tri kiến… chánh định. Khi nào, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử rõ biết các lậu hoặc là như vậy, rõ biết các lậu hoặc sanh khởi như vậy, rõ biết các lậu hoặc sai biệt như vậy, rõ biết các lậu hoặc dị thục như vậy, rõ biết các lậu hoặc đoạn diệt như vậy, rõ biết con đường đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt như vậy, khi ấy, vị ấy được rõ biết Phạm hạnh thể nhập này như là các lậu hoặc đoạn diệt.

Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các lậu hoặc… cần phải biết con đường đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt, đã được nói như vậy. Chính do duyên này đã được nói như vậy.

11. Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các nghiệp… cần phải biết con đường đưa đến các nghiệp đoạn diệt được nói như vậy. Do duyên gì được nói như vậy?

Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng suy tư là nghiệp; sau khi suy tư, tạo nghiệp về thân, về lời, về ý.

12. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các nghiệp sanh khởi? Này các Tỷ-kheo, xúc là các nghiệp sanh khởi.

– Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các nghiệp sai biệt? Này các Tỷ-kheo, có nghiệp đưa đến cảm thọ ở địa ngục, có nghiệp đưa đến cảm thọ loài bàng sanh, có nghiệp đưa đến cảm thọ cõi ngạ quỷ, có nghiệp đưa đến cảm thọ thế giới loài Người, có nghiệp đưa đến cảm thọ thế giới chư Thiên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các nghiệp sai biệt. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các nghiệp dị thục? Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng có ba loại nghiệp dị thục: Ở ngay đời hiện tại, hay ở đời sau, hay ở một đời sau nữa. Này các Tỷ-kheo, đây là các nghiệp dị thục.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp đoạn diệt? Xúc đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, là nghiệp đoạn diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành, con đường đưa đến các nghiệp đoạn diệt. Ðó là chánh tri kiến… chánh định. Khi nào, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử rõ biết các nghiệp như vậy, rõ biết các nghiệp sanh khởi như vậy, rõ biết các nghiệp sai biệt như vậy, rõ biết các nghiệp dị thục như vậy, rõ biết các nghiệp đoạn diệt như vậy, rõ biết con đường đưa đến các nghiệp đoạn diệt như vậy, khi ấy, vị ấy rõ biết Phạm hạnh thể nhập này như là các nghiệp đoạn diệt.

Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các nghiệp… cần phải rõ biết con đường đưa đến các nghiệp đoạn diệt, đã được nói như vậy. Chính do duyên này đã được nói như vậy.

13. Này các Tỷ-kheo, cần phải biết khổ, cần phải biết khổ sanh khởi, cần phải biết khổ sai biệt, cần phải biết khổ dị thục, cần phải biết khổ đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến khổ đoạn diệt, đã được nói như vậy. Chính do duyên gì đã được nói như vậy?

Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu bi khổ não là khổ, cầu không được là khổ, tóm lại năm thủ uẩn là khổ.

14. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khổ sanh khởi? Ái, này các Tỷ-kheo, là khổ sanh khởi.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khổ sai biệt? Này các Tỷ-kheo có khổ lớn, có khổ nhỏ, có khổ chậm biến, có khổ mau biến. Này các Tỷ-kheo, đây là khổ sai biệt.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khổ dị thục? Này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người bị khổ chinh phục, tâm bị trói buộc, ưu sầu, bi thảm, than van, đập ngực, khóc lóc, đi đến bất tỉnh; do bị khổ chinh phục, tâm bị trói buộc, nên đi tìm phía bên ngoài xem có ai biết được một câu, hai câu thần chú đề đoạn diệt khổ này.

Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng khổ đem lại kết quả mê loạn, đem lại kết quả tìm kiếm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là khổ dị thục.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khổ đoạn diệt?

Ái đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, là khổ đoạn diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành đưa đến khổ đoạn diệt. Ðó là chánh kiến… chánh định. Này các Tỷ-kheo, khi nào Thánh đệ tử rõ biết khổ như vậy, rõ biết khổ sanh khởi như vậy, rõ biết khổ sai biệt như vậy, rõ biết khổ dị thục như vậy, rõ biết khổ đoạn diệt như vậy, rõ biết con đường đưa đến khổ đoạn diệt như vậy, khi ấy, vị ấy được rõ biết Phạm hạnh thể nhập này như là khổ đoạn diệt.

Này các Tỷ-kheo, cần phải biết khổ, cần phải biết khổ sanh khởi, cần phải biết khổ sai biệt, cần phải biết khổ dị thục, cần phải biết khổ đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến khổ đoạn diệt, đã được nói như vậy. Chính do duyên này, đã được nói như vậy.

Này các Tỷ-kheo, đây là thể nhập pháp môn, pháp pháp môn.

(X) (64) Tiếng Rống Con Sư Tử

1. – Này các Tỷ-kheo, có sáu Như Lai lực của Như Lai, do thành tựu các lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị ngưu vương, rống tiếng rống con sư tử trong các hội chúng, chuyển bánh xe pháp. Thế nào là sáu?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật rõ biết xứ là xứ, phi xứ là phi xứ. Này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật rõ biết xứ là xứ, phi xứ là phi xứ, như vậy là Như Lai lực của Như Lai. Chính nhờ Như Lai lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị ngưu vương, rống tiếng rống con sư tử trong các hội chúng, chuyển bánh xe pháp.

3. Lại nữa, này các Tỷ kheo, Như Lai như thật rõ biết quả báo tùy thuộc sở do, tùy thuộc sở nhân của các thọ nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại. Này các Tỷ kheo , Như Lai như thật rõ biết quả báo tùy thuộc sở do, tùy theo sở nhân của các hành nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại, như vậy là Như Lai lực của Như Lai…. chuyển bánh xe pháp.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật rõ biết sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất khởi của những thành đạt về Thiền, về giải thoát, về định. Này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật biết… và chuyển bánh xe pháp.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời… Như vậy, Như Lai nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật rõ biết… và chuyển bánh xe pháp.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh… Này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật rõ biết… và chuyển bánh xe pháp.

7. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai nhờ đoạn trừ các lậu hoặc, tự mình với thắng trí, chứng ngộ thành tựu và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này các Tỷ-kheo, Như Lai nhờ đoạn trừ các lậu hoặc, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, thành tựu và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Chính nhờ Như Lai lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị ngưu vương, rống tiếng con sư tử trong các hội chúng và chuyển bánh xe pháp.

Này các Tỷ-kheo, có sáu Như Lai lực này của Như Lai, do thành tựu các lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị ngưu vương, rống tiếng rống con sư tử trong các hội chúng, chuyển bánh xe chánh pháp.

8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có những người khác đến hỏi Như Lai các câu hỏi liên hệ đến như thật trí về xứ là xứ, phi xứ là phi xứ, này các Tỷ-kheo, tùy theo, tùy theo như thật trí hiểu biết của Như Lai về xứ là xứ, phi xứ là phi xứ; tùy theo như vậy, tùy theo như vậy, Như Lai trả lời các câu hỏi liên hệ đến như thật trí về xứ là xứ, phi xứ là phi xứ.

9. Ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có những người khác đến hỏi Như Lai các câu hỏi liên hệ đến như thật trí về quả báo tùy thuộc sở do, tùy theo sở nhân của các thọ nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại, này các Tỷ-kheo, tùy theo, tùy theo như thật trí hiểu biết của Như Lai về quả báo tùy thuộc sở do, tùy theo sở nhân của các thọ nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại; tùy theo như vậy, tùy theo như vậy, Như Lai trả lời các câu hỏi liên hệ đến như thật trí về quả báo tùy thuộc sở do, tùy thuộc sở nhân của các thọ nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại.

10. Ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có những người khác đến hỏi Như Lai các câu hỏi liên hệ đến sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất khởi của những thành đạt về thiền, về giải thoát, về định, này các Tỷ-kheo; tùy theo, tùy theo như thật trí hiểu biết của Như Lai về sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất khởi của thành tựu về Thiền, về giải thoát, về định; tùy theo như vậy, tùy theo như vậy, Như Lai trả lời các câu hỏi liên hệ đến như thật trí về sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất khởi của những thành đạt về Thiền, về giải thoát, về định.

11. Ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có những người khác đến hỏi Như Lai các câu hỏi liên hệ đến như thật trí về nhớ đến các đời sống quá khứ, này các Tỷ-kheo, tùy theo, tùy theo như thật trí hiểu biết của Như Lai, về nhớ đến các đời sống quá khứ; tùy theo như vậy, tùy theo như vậy, Như Lai trả lời các câu hỏi liên hệ đến như thật trí về nhớ đến các đời sống quá khứ.

12. Ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có những người khác đến hỏi Như Lai các câu hỏi liên hệ đến như thật trí về sự sanh diệt của các chúng sanh, này các Tỷ-kheo, tùy theo, tùy theo như thật trí hiểu biết của Như Lai về sự sanh diệt của các chúng sanh; tùy theo như vậy, tùy theo như vậy, Như Lai trả lời các câu hỏi liên hệ đến như thật trí về sự sanh diệt của các chúng sanh.

13. Ở đây, này các Tỷ-kheo nếu có những người khác đến hỏi Như Lai các câu hỏi liên hệ đến như thật trí về sự đoạn diệt các lậu hoặc; hiểu biết của Như Lai về sự đoạn diệt các lậu hoặc; tùy theo như vậy, tùy theo như vậy, Như Lai trả lời các câu hỏi liên hệ đến như thật trí về sự đoạn diệt các lậu hoặc.

14. Ở đây, này các Tỷ-kheo, liên hệ đến như thật trí này, về xứ là xứ, phi xứ là phi xứ, Ta tuyên bố rằng trí ấy chỉ có đối với người có Thiền định, không phải với người không Thiền định. Liên hệ đến như thật trí về quả báo tùy thuộc sở do, tùy theo sở nhân của các thọ nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại, Ta tuyên bố rằng trí ấy chỉ có đối với người có Thiền định, không phải với người không có Thiền định. Liên hệ đến như thật trí về sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất khởi của những thành đạt về Thiền, về giải thoát, về định, Ta tuyên bố rằng trí ấy chỉ có đối với người có Thiền định, không phải với người không có Thiền định. Ở đây, này các Tỷ-kheo, liên hệ đến như thật trí, nhớ đến các đời sống quá khứ, Ta tuyên bố rằng trí ấy chỉ có đối với người có Thiền định, không phải với người không thiền định. Liên hệ đến như thật trí về sự sanh diệt của chúng sanh, Ta tuyên bố rằng trí ấy chỉ có đối với người có Thiền định. Ở đây, này các Tỷ-kheo, liên hệ đến như thật trí về sự đoạn diệt các lậu hoặc, Ta tuyên bố rằng trí ấy chỉ có đối với người có Thiền định, không phải với người không có thiền định . Như vậy, này các Tỷ-kheo, định là chánh đạo, không định là tà đạo.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang