I. Phẩm Từ

(I) (1) Từ

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvavatthì, tại Jetavanna, khu vườn Ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”. “Thưa vâng, bạch Thế Tôn”.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

2. – Với từ tâm giải thoát, này các Tỷ-kheo, được sử dụng, được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm như cỗ xe, được làm như căn cứ địa, được tùy trú, được tích tập, được khéo tác thành, thời chờ đợi là có tám lợi ích. Thế nào là tám?

3. Ngủ được an lạc, dậy được an lạc, không thấy ác mộng, được người ái mộ, được phi nhân ái mộ, được chư Thiên hộ trì, lửa hay thuốc độc hay kiếm không gia hại, nếu không thông đạt thượng vị, đạt được Phạm Thiên giới. Với từ tâm giải thoát, này các Tỷ-kheo, được sử dụng, được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm như cỗ xe, được làm như căn cứ địa, được tùy trú, được tích tập, được khéo tác thành, thời chờ đợi là có tám lợi ích này.

Ai tu tập từ tâm
Vô lượng thường ức niệm
Các kiết sử yếu dần
Thấy được sanh y diệt
Với tâm không ác độc
Từ mẫn mọi chúng sanh
Do vậy, vị ấy thành
Bậc thuần nhất chí thiện
Với tâm ý từ mẫn
Ðối với mọi chúng sanh
Bậc Thánh khéo thực hiện
Nhiều công đức tốt lành
Sau khi đã chinh phục
Rất đông đảo loài người
Các ẩn sĩ vua chúa
Theo nghi lễ tế tự
Lễ tế ngựa tế người
Lễ uống nước thắng trận
Lễ ném cầu may rủi
Lễ rút lui khóa cửa
Không được phần mười sáu
Bậc khéo tu từ tâm
Như ánh sáng mặt trăng
Ðối với các quần sao
Không giết, không bảo giết
Không thắng, không bảo thắng
Từ tâm mọi chúng sanh
Không hận thù với ai.

(II) (2) Tuệ

1. – Này các Tỷ-kheo, có tám nhân này, có tám duyên này, khiến căn bản Phạm hạnh chưa chứng được có thể chứng được với trí tuệ, nếu chứng được thời đưa đến tăng trưởng, tăng rộng, được tu tập, được viên mãn. Thế nào là tám?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống dựa trên bậc Ðạo sư hay bậc đồng Phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, ở đây được an trú tàm quý một cách sắc sảo, được ái mộ, được kính trọng. Này các Tỷ-kheo, đây là nhân thứ nhất, duyên thứ nhất khiến căn bản Phạm hạnh chưa chứng được có thể chứng được với trí tuệ, nếu chứng được thời đưa đến tăng trưởng, tăng rộng, được tu tập, được viên mãn.

3. Vị ấy do sống dựa trên bậc Ðạo sư hay bậc đồng Phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, ở đây được an trú tàm quý một cách sắc sảo, được ái mộ, được kính trọng, thường đi đến họ hỏi đi hỏi lại: “Thưa Tôn giả, cái này là thế nào? Ý nghĩa cái này là gì? ” Các Tôn giả ấy mở rộng nhưng gì được mở rộng, phơi bày những gì không được phơi bày, và đối với những pháp còn đang nghi vấn, họ giải tỏa những nghi vấn. Này các Tỷ-kheo, đây là nhân thứ hai, duyên thứ hai khiến căn bản Phạm hạnh chưa chứng được có thể chứng được với trí tuệ, nếu chứng được thời đưa đến tăng trưởng, tăng rộng, được tu tập, được viên mãn.

4. Vị ấy sau khi nghe pháp, cố gắng thành tựu hai sự an tịnh: Thân an tịnh và tâm an tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây là nhân thứ ba … được viên mãn.

5. Vị ấy có giới đức, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập các học pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là nhân thứ tư … được viên mãn.

6. Vị ấy nghe nhiều, thọ trì điều đã nghe, chất chứa điều đã nghe; những pháp ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa lý văn cú cụ túc, đề cao đời sống Phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh; những pháp ấy, vị ất đã nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ tụng đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thể nhập chánh kiến. Này các Tỷ-kheo, đây là nhân thứ năm … được viên mãn.

7. Vị ấy tinh cần tinh tấn, để đoạn tận các pháp bất thiện, để làm sanh khởi các pháp thiện, nỗ lực kiên trì, không bỏ rơi gánh nặng đối với các pháp thiện. Này các Tỷ-kheo, đây là nhân thứ sáu… được viên mãn.

8. Vị ấy đi đến chư Tăng, không là người nói nhiều, không nói chuyện phù phiếm, tự mình nói pháp hay mời người khác nói, không khinh thường sự im lặng của bậc Thánh. Này các Tỷ-kheo, đây là nhân thứ bảy … được viên mãn.

9. Vị ấy sống tùy quán sanh diệt trong năm uẩn: “Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi; đây là sắc chấm dứt; Ðây là thọ, đây là thọ tập khởi; đây là thọ chấm dứt; đây là tưởng … đây là hành … Ðây là thức, đây là thức tập khởi; đây là thức chấm dứt”. Này các Tỷ-kheo, đây là nhân thứ tám, duyên thứ tám, khiến căn bản Phạm hạnh chưa chứng được có thể chứng được với trí tuệ, nếu chứng được thời đưa đến tăng trưởng, tăng rộng, được tu tập, được viên mãn.

10. Các vị đồng Phạm hạnh quý mến vị ấy như sau: “Tôn giả này sống nương tựa vào bậc Ðạo sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, ở đây được an trú tàm quý một cách sắc sảo, được ái mộ, được kính trọng. Thật vậy, Tôn giả này biết điều đáng biết, thấy điều đáng thấy”. Ðây là pháp đưa đến được ái mộ, được cung kính, được tu tập, đưa đến Sa-môn hạnh, nhứt tâm thuần nhất.

11. Tôn giả này sống nương tựa vào bậc Ðạo sư, hay bậc đồng Phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, ở đây được an trú tàm quý một cách sắc sảo, được ái mộ, được kính trọng … (như số 3 ở trên) … họ giải tỏa những nghi vấn ấy. Ðây là pháp đưa đến được ái mộ, được cung kính, được tu tập, đưa đến Sa-môn hạnh, nhứt tâm thuần nhất.

12. Tôn giả này sau khi nghe pháp (như số 4 ở trên) … tâm an tịnh. Ðây là pháp đưa đến được ái mộ, được cung kính, được tu tập, đưa đến Sa-môn hạnh, nhứt tâm thuần nhất.

13. Tôn giả này có giới đức … (như số 5 ở trên) … học tập trong các học pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp … thuần nhất.

14. Tôn giả này nghe nhiều … (như số 6) … khéo thành tựu chánh kiến. Ðây là pháp … thuần nhất.

15. Tôn giả này sống tinh cần tinh tấn … (như số 7 ở trên) … đối với các pháp thiện. Ðây là pháp … thuần nhất.

16. Tôn giả này đi đến Tăng chúng … (như số 8 ở trên) … sự im lặng của bậc Thánh. Ðây là pháp … thuần nhất.

17. Tôn giả này sống tùy quán sanh diệt trong năm uẩn… (như số 9 ở trên) … đây là thức chấm dứt, đây là pháp đưa đến được ái mộ, được cung kính, được tu tập, đưa đến Sa-môn hạnh, nhứt tâm thuần nhất.

Này các Tỷ-kheo, tám nhân này, tám duyên này khiến cho căn bản Phạm hạnh chưa chứng được có thể chứng được với trí tuệ, nếu chứng được thời đưa đến tăng trưởng, tăng rộng, được tu tập, được viên mãn.

(III) (3) Các Pháp Không Ðược Ái Mộ (1)

1. – Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, kính trọng và bắt chước. Thế nào là tám?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tán thán những người không được ái mộ, chỉ trích những người được ái mộ, ưa lợi dưỡng, ưa được cung kính, không có lòng xấu hổ, không có sợ hãi, ác dục và có tà kiến.

Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, kính trọng và bắt chước.

3. Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, kính trọng và bắt chước. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tám?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không tán thán những người không được ái mộ, không chỉ trích những người được ái mộ, không ưa lợi dưỡng, không ưa được cung kính, có lòng xấu hổ, có sợ hãi, ít dục và có chánh kiến.

Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, kính trọng và bắt chước.

(IV) (4) Các Pháp Không Ðược Ái Mộ (2)

1. – Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, cung kính và bắt chước. Thế nào là tám?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ưa lợi dưỡng, ưa cung kính, ưa được tán thán, không biết thời, không biết vừa đủ, không trong sạch, nói nhiều, mắng nhiếc quở trách đối với các đồng Phạm hạnh.

Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, cung kính và bắt chước.

3. Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, và bắt chước. Thế nào là tám?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không ưa lợi dưỡng, không ưa cung kính, không ưa được tán thán, biết thời, biết vừa đủ, trong sạch, không nói nhiều, không mắng nhiếc quở trách đối với các đồng Phạm hạnh.

Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, cung kính và bắt chước.

(V) (5) Tùy Chuyển Thế Giới (1)

1. – Tám pháp thế gian này, này các Tỷ-kheo, tùy chuyển thế giới. Thế giới tùy chuyển theo tám pháp thế gian này. Thế nào là tám?

2. Lợi dưỡng và không lợi dưỡng, danh vọng và không danh vọng, tán thán và chỉ trích, lạc và khổ.

Tám pháp thế gian này, này các Tỷ-kheo, tùy chuyển thế giới. Thế giới tùy chuyển theo tám pháp thế gian này.

Lợi dưỡng, không lợi dưỡng,
Danh vọng, không danh vọng
Tán thán và chỉ trích
An lạc và đau khổ
Những pháp này vô thường
Không thường hằng biến diệt
Biết chúng giữ chánh niệm
Bậc trí quán biến diệt
Pháp khả ái, không động
Không khả ái, không sân
Các pháp thuận hay nghịch
Ðược tiêu tan không còn
Sau khi biết con đường
Không trần cấu, không sầu
Chơn chánh biết sanh hữu
Ði đến bờ bên kia.

(VI) (6) Tùy Chuyẻn Thế Giới (2)

1.- Tám thế gian pháp này, này các Tỷ-kheo, tùy chuyển thế giới. Thế giới tùy chuyển theo tám pháp thế gian này. Thế nào là tám?

2. Lợi dưỡng và không lợi dưỡng, danh vọng và không danh vọng, tán thán và chỉ trích, an lạc và đau khổ.

Tám pháp thế gian này, này các Tỷ-kheo, tùy chuyển thế giới. Thế giới tùy chuyển theo tám pháp thế gian này.

3. Với kẻ phàm phu không nghe pháp, này các Tỷ-kheo, sanh ra lợi dưỡng, không lợi dưỡng, danh vọng, không danh vọng, tán thán, chỉ trích, an lạc, đau khổ. Với vị Thánh đệ tử nghe pháp, cũng sanh ra lợi dưỡng, không lợi dưỡng, danh vọng, không danh vọng, tán thán, chỉ trích, an lạc, đau khổ.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có đặc thù gì, thù thắng gì, có sai khác gì giữa vị Thánh có nghe pháp và kẻ phàm phu không có nghe pháp?

– Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm chỉ đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ nương tựa. Lành thay, bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn giảng cho ý nghĩa của lời nói này. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.

– Vậy này các Tỷ-kheo, hãy lắng nghe và suy niệm kỹ, Ta sẽ nói.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

4. – Với kẻ phàm phu không nghe pháp, này các Tỷ-kheo, khởi lên lợi dưỡng. Vị ấy không có suy tư: “Lợi dưỡng này khởi lên nơi ta, lợi dưỡng ấy vô thường, khổ, biến hoại”. Vị ấy không như thật rõ biết … khởi lên không lợi dưỡng … khởi lên danh vọng … khởi lên không danh vọng … khởi lên tán thán … khởi lên chỉ trích … khởi lên an lạc … khởi lên khổ đau. Vị ấy không có suy tư: “Khổ này khởi lên nơi ta, khổ ấy là vô thường khổ, biến hoại”. Vị ấy không như thật rõ biết, rằng lợi dưỡng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, không lợi dưỡng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, danh vọng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, không danh vọng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, tán thán xâm nhập tâm của người ấy và an trú, chỉ trích xâm nhập tâm của người ấy và an trú, an lạc xâm nhập tâm của người ấy và an trú, đau khổ xâm nhập tâm của người ấy và an trú”. Người ấy thuận ứng với lợi dưỡng được khởi lên và nghịch ứng với không lợi dưỡng; thuận ứng với danh vọng được khởi lên và nghịch ứng với không danh vọng; thuận ứng với tán thán được khởi lên và nghịch ứng với chỉ trích; thuận ứng với an lạc được khởi lên và nghịch ứng với đau khổ; Người ấy đầy đủ thuận ứng, nghịch ứng như vậy, không có giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, người ấy không thoát khỏi khổ.

5. Với vị Thánh đệ tử có nghe pháp, này các Tỷ-kheo, khởi lên lợi dưỡng. Vị ấy có suy tư: “Lợi dưỡng này khởi lên nơi ta, lợi dưỡng ấy vô thường, đau khổ, biến hoại”. Vị ấy như thật rõ biết … khởi lên không lợi dưỡng … khởi lên danh vọng … khởi lên không danh vọng … khởi lên tán thán … khởi lên chỉ trích … khởi lên an lạc … khởi lên khổ đau. Vị ấy có suy tư: “Ðau khổ này khởi lên nơi ta, đau khổ ấy là vô thường, khổ đau, biến hoại”. Vị ấy như thật rõ biết, rằng lợi dưỡng này không xâm nhập tâm của vị ấy và an trú, không lợi dưỡng …., danh vọng….., không danh vọng …. tán thán… chỉ trích… an lạc… đau khổ không xâm nhập tâm của vị ấy và an trú. Vị ấy không thuận ứng với lợi dưỡng được khởi lên, không nghịch ứng với không lợi dưỡng; không thuận ứng với danh vọng được khởi lên, không nghịch ứng với không danh vọng; không thuận ứng với tán thán được khởi lên, không nghịch ứng với chỉ trích; không thuận ứng với an lạc được khởi lên, không nghịch ứng với đau khổ; Vị ấy do đoạn tận thuận ứng, nghịch ứng như vậy, nên giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, vị ấy thoát khỏi khổ.

Ðây là đặc thù, này các Tỷ-kheo, đây là thù thắng, đây là sai biệt giữa vị Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp.

Lợi dưỡng, không lợi dưỡng,
Danh vọng, không danh vọng
Tán thán và chỉ trích
An lạc và đau khổ
Những pháp này vô thường
Không thường hằng biến diệt
Biết chúng giữ chánh niệm
Bậc trí quán biến diệt
Pháp khả ái, không động
Không khả ái, không sân
Các pháp thuận hay nghịch
Ðược tiêu tan không còn
Sau khi biết con đường
Không trần cấu, không sầu
Chơn chánh biết sanh hữu
Ði đến bờ bên kia.

(VII) (7) Devadatta

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá) trên núi Gijjhakùta (Linh Thứu) sau khi Devadatta bỏ đi không bao lâu. Tại đấy, nhân việc Devadatta, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:

2. – Lành thay, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thường thường quan sát sự vi phạm của mình. Lành thay, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thường thường quan sát sự vi phạm của người khác. Lành thay, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thường thường quan sát sự chứng đạt của mình. Lành thay, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thường thường quan sát sự chứng đạt của người khác. Do bị tám phi diệu pháp chinh phục, tâm bị xâm chiếm, này các Tỷ-kheo, Devadatta bị rơi vào đọa xứ, địa ngục, sống tại đấy cả một kiếp, không được cứu khỏi. Thế nào là tám?

3. Này các Tỷ-kheo, bị lợi dưỡng chinh phục, tâm bị xâm chiếm, Devadatta bị sanh vào đọa xứ, địa ngục sống tại đấy cả một kiếp, không được cứu khỏi. Này các Tỷ-kheo, bị lợi dưỡng chinh phục, … bị danh vọng chinh phục … bị không danh vọng chinh phục … bị cung kính chinh phục … bị không cung kính chinh phục… bị ác dục chinh phục … bị ác bằng hữu chinh phục, tâm bị xâm chiếm, Devadatta bị rơi vào đọa xứ, địa ngục, sống tại đấy cả một kiếp, không được cứu khỏi.

Này các Tỷ kheo, bị tám phi diệu pháp này chinh phục, tâm bị xâm chiếm, Devadatta bị sanh vào đoạ xứ, địa ngục, sống tại đây cả một kiếp, không được cứu khỏi.

4. Lành thay, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống chinh phục lợi dưỡng được sanh khởi … không lợi dưỡng được sanh khởi … danh vọng được sanh khởi … không danh vọng được sanh khởi … cung kính được sanh khởi … không cung kính được ác dục được sanh khởi … ác bằng hữu được sanh khởi … Và này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do duyên mục đích gì cần phải sống chinh phục lợi dưỡng được sanh khởi ?

Này các Tỷ-kheo, do sống không chinh phục, lợi dưỡng được khởi lên, các lậu hoặc tổn hại nhiệt não sanh khởi. Do sống chinh phục, lợi dưỡng được khởi lên. Như vậy các lậu hoặc tổn hại nhiệt não ấy không có mặt. Này các Tỷ-kheo, do sống không chinh phục không lợi dưỡng được khởi lên, … danh vọng được khởi lên … cung kính được khởi lên … không cung kính được khởi lên … ác dục được khởi lên … ác bằng hữu được khởi lên, các lậu hoặc tổn hại nhiệt não sanh khởi. Do sống chinh phục ác bằng hữu khởi lên, như vậy các lậu hoặc tổn hại nhiệt não ấy không có mặt. Này các Tỷ-kheo, do duyên mục đích này, Tỷ-kheo sống chinh phục, lợi dưỡng được khởi lên, … danh vọng được khởi lên … cung kính được khởi lên … không cung kính được khởi lên … ác dục được khởi lên … ác bằng hữu được khởi lên. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như sau:

5. “Ta sẽ sống chinh phục lợi dưỡng được khởi lên … không lợi dưỡng được khởi lên … danh vọng được khởi lên … không danh vọng được khởi lên … cung kính được khởi lên … không cung kính được khởi lên … ác dục được khởi lên … ác bằng hữu được khởi lên”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

(VIII) (8) Tôn Giả Uttara

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Mahisavatthu, trên núi Sankheyyaka, tại Dhavajàlikà. Lúc bấy giờ, Tôn giả Uttara bảo các Tỷ-kheo:

2. – Lành thay, này chư hiền, Tỷ-kheo thường thường quan sát sự vi phạm của mình. Lành thay, này chư Hiền, Tỷ-kheo thường thường quan sát sự vi phạm của người khác. Lành thay, này chư Hiền, Tỷ-kheo thường thường quan sát sự thành đạt của mình. Lành thay, này chư Hiền, Tỷ-kheo thường thường quan sát sự thành đạt của người khác.

3. Lúc bấy giờ, đại vương Vessavana đang đi từ phương Bắc đến phương nam, vì một vài công việc, đại vương Vessavana nghe Tôn giả Uttara trú ở Mahisavatthu, trên núi Sankheyyaka, tại Dhavajàlikà thuyết pháp như vậy cho các Tỷ-kheo,: “Lành thay, này chư Hiền, Tỷ-kheo thường thường quan sát … sự thành đạt của người khác”.

4. Rồi đại vương Vessavana như người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra, cũng vậy biến mất ở Mahisavatthu, trên núi Sankheyyaka, ở Dhavajàlikà và hiện ra trước mặt chư Thiên ở cõi Ba mươi ba. Rồi đại vương Vessavana đi đến Thiên chủ Sakka; sau khi đến nói với Thiên chủ Sakka:

– Ngài có biết chăng Tôn giả Uttara tại Mahisavatthu, trên núi Sankheyyaka, tại Dhavajàlikà thuyết pháp cho các Tỷ-kheo như sau: “Lành thay, này chư Hiền, Tỷ-kheo thường thường quan sát … sự thành đạt của người khác”.

5. Rồi Thiên chủ Sakka như người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra, cũng vậy biến mất trước chư Thiên cõi trời Ba mươi ba, hiện ra ở Mahisavatthu, trên núi trên núi Sankheyyaka, ở Dhavajàlikà, trước mặt Tôn giả Uttara. Rồi Thiên chủ Sakka đi đến Tôn giả Uttara; sau khi đến đảnh lễ Tôn giả Uttara rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên chủ Sakka nói với Tôn giả Uttara:

– Thưa Tôn giả, có thật chăng, Tôn giả Uttara thuyết pháp cho các Tỷ kheo như sau : “Lành thay , này chư Hiền, Tỷ kheo thường thường quan sát… sự thành đạt của người khác” ?

– Thưa có vậy, này Thiên chủ.

– Thưa Tôn giả, đây là Tôn giả Uttara tự nói hay là lời của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác?

6. – Vậy này Thiên chủ, ta sẽ làm một ví dụ cho người, nhờ ví dụ ở đây, một số những người có trí hiểu rõ ý nghĩa của lời nói. Ví như, này Thiên chủ, có một đống lúa lớn không xa làng, hay thị trấn, và quần chúng từ nơi đống lúa ấy mang lúa đi, hoặc trên đòn gánh, hoặc trong thùng, hoặc bên hông, hoặc với bàn tay. Này Thiên chủ, nếu có ai đến đám quần chúng ấy và hỏi như sau: “Các người mang lúa này từ đâu? ” Này Thiên chủ, đám quần chúng ấy cần phải đáp như thế nào để có thể đáp một cách chơn chánh?

– Thưa Tôn giả, đám quần chúng ấy muốn đáp một cách chơn chánh, cần phải đáp như sau: “Thưa Tôn giả, chúng tôi mang lúa từ nơi đống lúa lớn này”.

– Cũng vậy, này Thiên chủ, điều gì khéo nói, tất cả là lời nói của Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác. Dựa trên lời ấy, dựa lên trên ấy, chúng tôi và các người khác nói lên.

7. – Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả! Thật hy hữu thay, thưa Tôn giả! Thật là khéo nói là lời nói này của Tôn giả Uttara: “Tất cả là lời nói của Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác. Dựa lên trên ấy, dựa lên trên ấy, chúng tôi và các người khác nói lên “. Một thời, thưa Tôn giả Uttara, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá) tại núi Gijjhakùta, sau khi Devadatta bỏ đi không bao lâu. Tại đấy, Thế Tôn nhân việc Devadatta, bảo các Tỷ-kheo:

– Lành thay, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thường thường quan sát sự vi phạm của mình. Lành thay, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thường thường quan sát sự vi phạm của người khác. Lành thay, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thường thường quan sát sự chứng đạt của mình. Lành thay, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thường thường quan sát sự chứng đạt của người khác. Do bị tám phi diệu pháp chinh phục, tâm bị xâm chiếm, này các Tỷ-kheo, Devadatta bị rơi vào đọa xứ, địa ngục, sống tại đấy cả một kiếp, không được cứu khỏi. Thế nào là tám?

Này các Tỷ-kheo, bị lợi dưỡng chinh phục, tâm bị xâm chiếm, Devadatta bị sanh vào đọa xứ, địa ngục sống tại đấy cả một kiếp, không được cứu khỏi. Này các Tỷ-kheo, bị không lợi dưỡng chinh phục, … bị danh vọng chinh phục … bị không danh vọng chinh phục … bị cung kính chinh phục … bị không cung kính chinh phục… bị ác dục chinh phục … bị ác bằng hữu chinh phục, tâm bị xâm chiếm, Devadatta bị rơi vào đọa xứ, địa ngục, sống tại đấy cả một kiếp, không được cứu khỏi.

Này các Tỷ kheo, bị tám phi diệu pháp này chinh phục, tâm bị xâm chiếm, Devadatta bị sanh vào đoạ xứ, địa ngục, sống tại đây cả một kiếp, không được cứu khỏi.

“Lành thay, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống có thể chinh phục lợi dưỡng được sanh khởi, … không lợi dưỡng được sanh khởi … danh vọng được sanh khởi … không danh vọng được sanh khởi … cung kính được sanh khởi … không cung kính được sanh khởi … ác dục được sanh khởi … ác bằng hữu được sanh khởi … “

8. “Và này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do duyên mục đích gì phải sống chinh phục lợi dưỡng được khởi lên? Này các Tỷ-kheo, do sống không chinh phục lợi dưỡng được khởi lên, các lậu hoặc, các tổn hại, nhiệt não sanh khởi. Do sống chinh phục lợi dưỡng được khởi lên, như vậy, các lậu hoặc, các tổn hại, nhiệt não ấy không có mặt. Này các Tỷ-kheo, do sống chinh phục không lợi dưỡng được khởi lên … danh vọng được khởi lên … không danh vọng được khởi lên … cung kính được khởi lên … không cung kính được khởi lên … ác dục được khởi lên … ác bằng hữu được khởi lên, các lậu hoặc, các tổn hại, nhiệt não khởi lên, như vậy các lậu hoặc, các tổn hại, nhiệt não ấy không có mặt. Này các Tỷ-kheo, do duyên mục đích này, Tỷ-kheo phải sống chinh phục lợi dưỡng được khởi lên … không lợi dưỡng được khởi lên … danh vọng được khởi lên … không danh vọng được khởi lên … cung kính được khởi lên … không cung kính được khởi lên … ác dục được khởi lên … ác bằng hữu được khởi lên. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như sau:

9. “Ta sẽ sống chinh phục lợi dưỡng được khởi lên … không lợi dưỡng được khởi lên … danh vọng được khởi lên … không danh vọng được khởi lên … cung kính được khởi lên … không cung kính được khởi lên … ác dục được khởi lên … ác bằng hữu được khởi lên”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

10. Cho đến nay, thưa Tôn giả Uttara, trong bốn hội chúng giữa loài người: Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-Ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, pháp môn này không được một ai thiết lập. Thưa Tôn giả, Tôn giả Uttara hãy học pháp môn này. Thưa Tôn giả, Tôn giả Uttara hãy học thuộc lòng pháp môn này. Thưa Tôn giả, Tôn giả Uttara hãy thọ trì pháp môn này. Thưa Tôn giả, pháp môn này liên hệ đến mục đích, là căn bản Phạm hạnh.

(XI) (9) Tôn Giả Nanda

1. – Này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh về Nanda, có thể nói như sau: “Là Thiện nam tử”. Này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh về Nanda, có thể nói như sau: “Là vị có sức mạnh”. Này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh về Nanda, có thể nói như sau: “Là vị có tịnh tín”. Này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh về Nanda, có thể nói như sau: “Là vị có chánh niệm sắc bén”.

Ai khác ngoài Nanda, này các Tỷ-kheo, thành tựu chế ngự các căn, biết tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác? Nhờ vậy, Nanda có thể hành Phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh.

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, đây là sự chế ngự các căn của Nanda.

Này các Tỷ-kheo, nếu Nanda phải nhìn về phương Ðông, tập trung tất cả tâm, Nanda nhìn về hướng Ðông và suy nghĩ: “Như vậy, khi Ta đang nhìn về hướng Ðông, thời tham, ưu, các ác bất thiện pháp sẽ không có xâm nhập”. Như vậy, ở đây vị ấy tỉnh giác. Này các Tỷ-kheo, nếu Nanda phải nhìn về phương Tây … nhìn về phương Bắc … về phương Nam … ngước nhìn lên Trên … cúi nhìn về phương Dưới … hay nhìn về hướng giữa các phương chính, tập trung tất cả tâm, Nanda nhìn về hướng giữa các phương chính và suy nghĩ: “Như vậy, khi ta đang nhìn về hướng giữa các phương chính, thời tham, ưu, các ác bất thiện pháp sẽ không có xâm nhập “. Như vậy, ở đây, vị ấy tỉnh giác.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Nanda chế ngự các căn.

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Nanda tiết độ trong ăn uống.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Nanda với chánh tư duy thọ dụng các món ăn, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được an trú và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh, nghĩ rằng: “Như vậy chúng ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và chúng ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn”.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Nanda tiết độ trong ăn uống.

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Nanda chú tâm cảnh giác.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Nanda ban ngày đi kinh hành hay trong khi ngồi, Nanda tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Ban đêm canh một đi kinh hành, hay trong khi ngồi, Nanda tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Ban đêm, canh giữa, Nanda nằm dáng nằm con sư tử, bên hông tay phải, một chân đặt trên chân kia, chánh niệm tỉnh giác, tâm nghĩ đến thức dậy lại. Ban đêm, canh cuối thức dậy, đi kinh hành hay trong khi ngồi, Nanda tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại.

Này các Tỷ-kheo, như vậy Nanda chú tâm cảnh giác.

5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Nanda chánh niệm tỉnh giác.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Nanda rõ biết khi các thọ khởi lên, rõ biết khi các thọ an trú, rõ biết khi các thọ chấm dứt … rõ biết khi các tưởng … rõ biết khi các tầm khởi lên, rõ biết khi các tầm an trú, rõ biết khi các tầm chấm dứt.

Này các Tỷ-kheo, đây là Nanda chánh niệm tỉnh giác.

Này các Tỷ-kheo, ai khác ngoài Nanda, thành tựu chế ngự các căn, biết tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác? Nhờ vậy, Nanda có thể hành Phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh.

(X) (10) Các Ðồ Rác

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Campà, trên bờ hồ Gaggarà. Lúc bấy giờ, các Tỷ-kheo buộc tội một Tỷ-kheo phạm tội. Vị ấy bị các Tỷ-kheo buộc tội, tránh né vấn đề với một vấn đề khác, hướng câu chuyện ra ngoài, và hiện tướng phẫn nộ, sân hận và bất mãn. Rồi Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:

2. – Này các Tỷ-kheo, hãy đuổi người này ra! Này các Tỷ-kheo, hãy tẩn xuất người này ra! Này các Tỷ-kheo, người này đáng bị khai trừ.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, khi nào một người đi ra, đi vào, nhìn lên, nhìn xung quanh, co tay, duỗi tay, mang y sanghàti, bát và y, như vậy, như các Tỷ-kheo hiền thiện khác, cho đến khi các Tỷ-kheo không thấy phạm tội. Nhưng khi các Tỷ-kheo thấy phạm tội, họ biết người này là như sau: “Người này là Sa-môn ô uế, họ là Sa-môn rơm rạ, là Sa-môn rác rưởi. Khi biết như vậy, họ đuổi người ấy ra ngoài. Vì sao? Chớ để cho người ấy làm ô uế các Tỷ kheo hiền thiện khác.

3. Ví như, này các Tỷ-kheo, khi một ruộng lúa mì đã đầy đủ cây lúa mì ô nhiễm, cây lúa mì rơm rạ, cây lúa mì rác rưởi được mọc lên với rễ như vậy, giống như các cây lúa mì hiền thiện khác. Với cành lá như vậy, giống như những cây lúa mì hiền thiện khác; Với lá là như vậy, giống như những cây lúa mì hiền thiện khác, cho đến khi nào đầu ngọn lúa chưa mọc ra. Khi đầu ngọn lúa mọc ra, họ biết: “Ðây là cây lúa mì hoang, đây là cây lúa mì rơm rạ, cây lúa mì rác rưởi”. Sau khi biết như vậy, họ nhổ cây lúa mì ấy lên, luôn cả rễ, và quăng cây lúa mì ấy ra khỏi ruộng lúa. Vì cớ sao? Họ nói: “Ðừng để cho cây lúa mì làm uế nhiễm các cây lúa mì hiền thiện khác”.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, khi nào một người đi ra, đi vào, nhìn lên, nhìn xung quanh, co tay, duỗi tay, mang y sanghàti, bát và y, như vậy, như các Tỷ-kheo hiền thiện khác, cho đến khi các Tỷ-kheo không thấy người ấy phạm tội. Nhưng khi các Tỷ-kheo thấy người ấy phạm tội, họ biết được: “Người này là Sa-môn giả hiệu, Sa-môn rơm, Sa-môn rác”. Sau khi biết người ấy là như vậy, họ đuổi người ấy ra ngoài. Vì cớ sao? “Chớ để cho người ấy làm uế nhiễm các Tỷ kheo hiền thiện khác “.

4. Ví như, này các Tỷ-kheo, khi một đống lúa lớn đang được sàng quạt, tại đấy, các hột lúa nào chắc cứng, có hạt, chúng được chất thành đống một bên; còn những hạt lúa nào yếu kém, chỉ là rơm, thời được gió thổi tạt qua một bên, và người chủ, với cây chổi, quét chúng còn xa hơn nữa. Vì cớ sao? “Chớ để cho lúa ấy làm uế nhiễm các hạt lúa hiền thiện khác “.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, khi nào một người đi ra, đi vào, nhìn lên, nhìn xung quanh, co tay, duỗi tay, mang y sanghàti, bát và y, như vậy, như các Tỷ-kheo hiền thiện khác, cho đến khi nào các Tỷ-kheo không thấy người ấy phạm tội. Nhưng khi các Tỷ-kheo thấy người ấy phạm tội, họ biết được: “Người này là Sa-môn ô uế, Sa-môn rơm rạ, Sa-môn rác rưởi”. Sau khi biết người ấy là như vậy, họ đuổi người ấy ra ngoài. Vì cớ sao? “Chớ để cho người ấy làm uế nhiễm các Tỷ kheo hiền thiện khác “.

5. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người cần một số ống nước, lấy một cây búa sắc bén và đi vào rừng, và với cán cây búa ấy, gõ vào thân cây này hay thân cây khác. Ở đây, những cây nào chắc cứng, có lõi, khi được cán búa gõ vào, tiếng vang dội được tròn cứng. Còn những cây nào ở giữa bị mục nát, không có lõi (đầy ứ bất tịnh) nhơ bẩn, khi được cán búa gõ vào, tiếng vang dội lép xẹp. Người ấy chặt cây ấy, chặt gốc ; sau khi chặt gốc, người ấy chặt ngọn; sau khi chặt ngọn, người ấy rửa phía trong của cây cho thật sạch; khi rửa phía trong cho thật sạch rồi, người ấy nối liền các ống ấy lại.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, khi nào một người đi ra, đi vào, nhìn lên, nhìn xung quanh, co tay, duỗi tay, mang y sanghàti, bát và y, như vậy, như các Tỷ-kheo hiền thiện khác, cho đến khi các Tỷ-kheo không thấy người ấy phạm tội. Nhưng khi các Tỷ-kheo thấy người ấy phạm tội, họ biết được: “Người này là Sa-môn giả hiệu, Sa-môn rơm rạ, Sa-môn rác rưởi”. Sau khi biết người ấy là như vậy, họ đuổi người ấy ra ngoài. Vì cớ sao? “Chớ để cho người ấy làm uế nhiễm các Tỷ kheo hiền thiện khác “.

Thầy có thể biết được
Người này Thầy chung sống
Ái dục và phẫn nộ
Dèm pha và ngoan cố
Não hại và tật đố
Xan tham và man trá
Nói nhu hòa giữa người
Nói như lời Sa-môn
Che giấu, làm việc ác
Ác kiến, thiếu kính trọng
Quanh co và nói láo
Biết vậy, người làm gì?
Tất cả phải đồng tình
Cùng tránh né người ấy
Hãy tẩn xuất rơm rác
Hãy tống cổ uế trược
Từ nay hãy đuổi xa
Kẻ nói nhiều vô ích
Không phải là Sa-môn
Nhưng hiện tướng Sa-môn
Tẩn xuất kẻ ác dục
Ác hạnh, ác uy nghi
Sống với người thanh tịnh
Sống trong sạch chánh niệm
Hòa hợp biết khôn khéo
Hãy chấm dứt khổ đau.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang